Đồng bằng sông Cửu Long: Hàng vạn hộ dân bất an vì sạt lở

Hồng Minh|11/07/2020 07:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa mưa nên tình trạng sạt lở mất đất, mất nhà không ngừng diễn ra, khiến người dân vô cùng bất an.

Một trong những địa phương đầu nguồn ở ĐBSCL, hàng năm tỉnh An Giang xảy ra nhiều vụ sạt lở khiến hàng trăm người phải di dời khẩn cấp. Điển hình như vụ sạt lở dài khoảng 90m, ăn sâu vào bờ gần 7m vào ngày 6/7 tại xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú) vừa qua.

Qua khảo sát của UBND xã Vĩnh Thạnh Trung, trong phạm vi 250m xung quanh điểm sạt lở và 80m tính từ Quốc lộ 91 xuống bờ sông Hậu có 53 nhà dân. Trong đó, có 11 căn nằm trong khu vực vừa sạt lở, 13 nhà nằm cạnh vết rạn nứt có nguy cơ bị ảnh hưởng và 29 căn nằm ngoài phạm vi 20m cách điểm sạt lở.

Ngay sau đó, ngành chức năng bố trí cho 11 hộ này vào khu cụm tuyến dân cư để ổn định chỗ ở. Theo Sở TN&MT An Giang, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ sụt lún sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch. Đặc biệt, tính từ tháng 5 đến nay, địa phương này đã xuất hiện 10 điểm sạt lở với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng, phức tạp hơn như vụ sạt lở tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú; rạch Cái Sắn; rạch Cái Sao (TP Long Xuyên).

Hiện trường sạt lở trên sông Cần Thơ thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều – ẢNH: Kim Hà

Từ An Giang theo sông Hậu xuôi về hạ lưu hay sang sông Tiền thuộc tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre cũng xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng khiến người dân phải dời nhà đi nơi khác. Tại sông Cần Thơ cuối tháng 6 và đầu tháng 7 liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở (đoạn qua khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) khiến 5 căn nhà bị “hà bá” cuốn trôi.

Ông Nguyễn Công Quy, 69 tuổi, có nhà bị cuốn trôi kể: “Hôm đó đang ngồi trong nhà, tôi nghe có tiếng động nên mới bước ra coi thì thấy có dấu nứt bề ngang khoảng 1 tấc, chạy dài 20m. Sau trận mưa là bắt đầu sụp xuống, sụp từ từ, ăn sâu vào trong mất nửa mặt lộ luôn”.

Đoạn sạt lở này nằm trong dự án kè sông Cần Thơ, một số hộ đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn chưa được bố trí tái định cư. Ngoài 5 hộ dân có nhà bị sạt lở trước đó đã di dời thì sau khi con lộ bị sụp có thêm nhiều hộ khác cũng chủ động tự di dời đến nơi an toàn vì lo sợ tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục diễn ra. Thậm chí, có người phải bỏ ra 3 – 4 triệu đồng mỗi tháng để thuê nhà ở tạm.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xảy ra 22 điểm sạt lở làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, 68 căn bị ảnh hưởng và sạt một phần, tổng chiều dài sạt lở là 1,3 km gây thiệt hại 14,4 tỷ đồng. So với năm 2019, số điểm sạt lở trong 6 tháng đầu năm nay tăng 11 điểm, quy mô, mức độ thiệt hại lớn hơn so với cùng kì.

Đến nay, bà Trần Thị Út Hường (ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ đến trận sạt lở vào rạng sáng 28.5.

Khi đó, bà Hường đang ngủ bất ngờ nghe tiếng động lạ. Bà nghĩ là người dân đi chài lưới trên sông nên không ra kiểm tra. Đến sáng thức dậy, bà Hường mới tá hỏa vì phần đất trước nhà đã đổ sụp xuống sông, ăn sâu tới cửa.

“Do nhà tôi không có cửa sau nên tôi phải nhờ người phá tường làm lối thoát hiểm, rồi ở tạm vì không còn chỗ để dời đi. Mấy ngày qua, đêm nào tôi cũng nơm nớp lo sợ không biết sạt lở sẽ cuốn đi lúc nào”, bà Hường lo lắng.

Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Hàng vạn hộ dân bất an vì sạt lở