Đồng bằng sông Cửu Long: Sử dụng nước hợp lý, ứng phó với hạn mặn

Phương Nhy (T/h)|10/02/2020 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Người dân một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long lo lắng đợt hạn mặn lần này có thể sẽ gay gắt, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2016…

Mặc dù nằm ngay trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt hiện nay, khả năng thiếu nước ngọt cũng như xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay có thể diễn ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Các giải pháp phòng, chống khô hạn và xâm nhập mặn đã được các cơ quan chức năng, các địa phương đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 diễn ra ngày 6/2 tại thành phố Cần Thơ.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, dòng chảy trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến tháng 3/2020 có khả năng thiếu hụt từ 10-20% so với trung bình nhiều năm và năm 2016.

Chế độ thủy văn trên các sông rạch ở thành phố Cần Thơ đang ở trong thời kỳ các tháng giữa mùa kiệt, mực nước trên các sông rạch tiếp tục xuống thấp cho đến tháng 6. Mực nước thấp nhất năm sẽ xuất hiện trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, ở mức từ -1,15 m đến -1,25 m, thấp hơn 0,1m so với năm 2019.

Huyện Ba Tri của Bến Tre nhiều diện tích lúa thiếu nước ngọt trầm trọng

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đến sớm hơn 1 tháng và xâm nhập sâu. Độ mặn ở các nơi trên sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Vĩnh Long vượt mức lịch sử cùng thời kỳ.

Ranh mặn 4 phần nghìn trên sông Hậu đã xâm nhập sâu hơn 65 km tính từ vùng cửa sông và có nhiều khả năng tiếp tục xâm nhập sâu hơn, diễn biến gay gắt trong các tháng 2 và 3/2020. Tại Cần Thơ trong thời kỳ cao điểm mùa khô, độ mặn từ 2-4 phần nghìn có khả năng xâm nhập đến các địa phương vùng giáp ranh tỉnh Hậu Giang dọc theo sông Hậu.

Những ngày qua theo dõi diễn biến ở vùng ngọt của Cà Mau là huyện Trần Văn Thời các con kênh rạch đã bắt đầu khô kiệt nước, nhiều diện tích lúa của bà con đến giai đoạn chuẩn bị thu hoạch hơn 1 tuần qua không có nước đã bắt đầu chuyển màu. Người dân ở đây cho biết, vụ lúa đông xuân thường có năng suất rất cao, từ 900 -1 tấn/công, nhưng hiện tại ước tính có thể chỉ thu được 500-600kg. Năm nay hạn đến sớm, nước ở các kênh khô cạn rất nhanh, việc bơm nước vào ruộng rất khó khăn, người dân ở vùng ngọt này cho rằng tình trạng khô hạn nghiêm trọng còn gay gắt hơn cả năm 2016.

Ngược trở lên Bạc Liêu, hơn 5.400 ha lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A (tỉnh Bạc Liêu) đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Tiểu vùng ngọt sản xuất rau màu cũng bị ảnh hưởng nặng. Do thiếu nước nên tiến trình xâm nhập mặn vào sâu nội đồng ngày càng nhanh, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến 5.000ha nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu. Ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đang lo lắng về vùng ngọt hóa trên địa bàn thị xã Giá Rai, nơi có hàng ngàn ha lúa đang đối mặt với nguy cơ chết khô vì thiếu nước ngọt. Hàng loạt kênh thuỷ lợi vùng ngọt hoá thuộc địa bàn thị xã Giá Rai đã cạn trơ đáy. Nặng nhất là kênh Chống Mỹ thuộc ấp 19, xã Phong Tân, là nguồn nước ngọt chính cho vùng lúa hàng trăm ha của xã. Nhiều hộ đã phải vét chút nước còn sót lại dưới đáy kênh có nhiễm phèn để cứu lúa trong thời gian chờ ngành chức năng điều tiết nước ngọt.

Cũng như những năm trước khi hạn mặn đến Sóc Trăng thì huyện Long Phú của tỉnh này sẽ bị đầu tiên và thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều hộ dân ở huyện Long Phú lo lắng khi hàng ngàn ha lúa vụ 3 đang thiếu nước trầm trọng, trong khi giai đoạn này chưa phải là cao điểm của mùa khô.

Độ mặn lớn, lúa kém năng suất

Sử dụng nước hợp lý, ứng phó với hạn mặn

Cuối tháng 1/2020, UBND tỉnh Cà Mau đã phải ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Thống kê của ngành chức năng tỉnh này cho thấy tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng gần 16.000 ha đất canh tác, đa số là lúa – tôm, cạnh đó có hơn 3.500 hộ thiếu nước sinh hoạt.

An Giang cũng đang lo lắng khi tỉnh Kiên Giang ở kế bên bị khô hạn và xâm nhập mặn sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hang ngàn diện tích lúa của địa phương. Hiện An Giang đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô.

Ông Lương Huy Khanh- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, thông tin: Trước mắt, các ngành chức năng cùng các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất (áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa); thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn ở các địa phương và của các đơn vị cung cấp nước. Xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới tiêu. Sẵn sàng công tác bơm chuyền, để cấp nước phục vụ sản xuất; sẵn sàng phương án vận chuyển nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân bị thiếu nước cục bộ ở một số vùng núi như Tri Tôn, Tịnh Biên.

Trường hợp mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập vào sâu trong nội đồng, có khả năng ảnh hưởng đến diện tích sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn, thời gian có khả năng ảnh hưởng từ tháng 2 đến tháng 3/2020. Để chủ động, phương án dự phòng xây dựng các đập tạm phòng chống khi có xâm nhập mặn vào sâu các kênh rạch nội đồng vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, theo báo cáo của các địa phương dự kiến có khoảng 26 vị trí có thể đắp đập tạm khi cần…

Chia sẻ với phóng viên về tình hình hạn mặn đang diễn ra vùng ĐBSCL, chuyên gia về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho biết, về lâu về dài phải theo tư duy “thuận thiên”, giảm thâm canh lúa để có không gian hấp thu lũ và chuyển dịch hệ thống canh tác ven biển để thích nghi. ĐBSCL phải thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, ưu tiên số một là quá trình phát triển tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên.

Phương Nhy (T/h)

Bài liên quan
  • Chủ động phòng chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
    Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ năm 2010 đến nay, xâm nhập mặn đến sớm từ 1 đến 1,5 tháng và kéo dài hơn so với trước đây. Độ mặn đầu mùa khô khả năng lớn hơn giữa mùa, ngược với quy luật xâm nhập mặn. Năm 2018, diễn biến hạn, mặn không khắc nghiệt như những năm 2015, 2016 nhưng tương đối phức tạp. Mới đầu mùa khô nhưng nồng độ mặn với ranh mặn 4g/l xâm nhập vào đất liền từ 15 đến 45km đã xuất hiện ở nhiều vùng ven biển ĐBSCL. Trong đó, khu vực trên hai sông Vàm Cỏ, độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2017 còn thấp hơn từ 0-1,3g/l; khu vực cửa sông Cửu Long nồng độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2017 thấp hơn từ 0,5-5,8g/l; khu vực ven biển Tây, trên sông Cái Lớn, nồng độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2017 thấp hơn 4,1-5,6g/l…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Sử dụng nước hợp lý, ứng phó với hạn mặn