Đồng Nai: Tìm ra nguyên nhân khiến nguồn nước ở dòng suối Mã Đà ô nhiễm

Thanh Thanh|17/05/2024 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đường ống thu gom bùn cặn từ hầm biogas của trại heo Đăng Hà 2 (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị vỡ đã gây ra sự cố bùn thải chăn nuôi tràn ra bên ngoài theo suối chảy về phía huyện Đồng Phú rồi qua xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Dòng suối Mã Đà nằm giáp ranh giữa một bên là rừng tự nhiên Đồng Nai do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (sau đây gọi tắt là Khu Bảo tồn) trực tiếp quản lý và một bên giáp ranh với tỉnh Bình Phước. 

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở đã phối hợp làm việc với lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Phước và UBND huyện Đồng Phú (huyện giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm.

Theo đó, ngày 9/5/2024, trời mưa to khiến cây đổ ngã làm bể đường ống thu gom bùn cặn từ hầm biogas của trại heo Đăng Hà 2 với quy mô 18 ngàn con heo thịt (thuộc Công ty TNHH Đức Lộc, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), đã gây sự cố bùn thải chăn nuôi tràn ra bên ngoài theo suối chảy về phía huyện Đồng Phú rồi qua xã Mã Đà khiến nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm.

suoi-ma-da-o-nhiem.png
Hiện trạng dòng suối Mã Đà bị ô nhiễm

Hiện tại, các ngành chức năng tỉnh Bình Phước đang chỉ đạo xử lý, chất thải đã được ngăn chặn không còn thải ra ngoài. Phía tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và môi trường cũng đã chỉ đạo Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tổ chức thu mẫu môi trường để đánh giá mức độ ô nhiễm, làm cơ sở thông báo tỉnh Bình Phước để phối hợp xử lý.

Trước đó, dòng nước đầu nguồn tại suối Mã Đà bỗng nhiên chuyển sang màu đen đục và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều loại cá sinh sống tự nhiên trên dòng suối lần lượt chết. Trong khi suối Mã Đà là đầu nguồn của sông Bé và sông Đồng Nai, nếu không xử lý được vấn đề ô nhiễm, khi mùa mưa đến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sạch của hàng triệu người dân vùng hạ lưu dọc sông Bé và sông Đồng Nai.

Bài liên quan
  • Bài 2 - Giải pháp nào "hồi sinh" các dòng sông ô nhiễm
    Ngày 27/12/2022, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó một mục tiêu quan trọng của quy hoạch này là phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại đô thị loại II trở lên và 10% từ đô thị từ loại V trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Tìm ra nguyên nhân khiến nguồn nước ở dòng suối Mã Đà ô nhiễm