Đợt nắng nóng ở miền Bắc kéo dài đến khi nào?

Minh Phúc|20/06/2024 16:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt tiếp tục diễn ra ở khắp các tỉnh thành miền Bắc trong ngày hôm nay, nhiệt độ cao nhất từ 37-39 độ C. Tình trạng này chưa có dấu hiệu suy giảm, có khả năng kéo dài đến hết tuần.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm qua (19/6), ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-39 độ, có nơi trên 39 độ như: TP Hòa Bình 39.6 độ, Láng (Hà Nội) 39.2 độ, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 39.6 độ, Đô Lương (Nghệ An) 40 độ, TP Hà Tĩnh 39.5 độ,…; độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 45-55%.

nang-nong.jpg
Ảnh minh họa

Hôm nay và ngày mai, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%.

Khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ và từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-60%.

Theo cơ quan khí tượng, từ ngày 22-23/6 nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng giảm dần.

Về khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới trên biển, cơ quan khí tượng dự báo khoảng ngày 22 - 23/6, khu vực Bắc và giữa Biển Đông sẽ hình thành một vùng áp thấp. Xác suất khoảng 65 - 75% mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và khoảng 20-30% mạnh lên thành bão.

Khoảng ngày 23 - 25/6, áp thấp nhiệt đới/bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc và Giữa của Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, sau có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới/bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển đảo Hoàng Sa) từ ngày 23 - 25/6 thời tiết chuyển xấu.

Ngoài ra, hiện nay, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang có xu hướng hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6 - 7, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2 m.

Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 1,5 - 2,5m.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đợt nắng nóng ở miền Bắc kéo dài đến khi nào?