Đốt rác phát điện, tái chế phế thải xây dựng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường

Mai Mai (T/h)|12/09/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dùng công nghệ đốt rác phát điện, tái chế và sử dụng phế thải xây dựng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong nhiều năm qua, chính quyền các địa phương, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt với việc giải quyết vấn đề quá tải các bãi chôn lấp rác thải hay việc phế thải xây dựng bị đổ trộm khắp nơi. Ngoài việc chiếm không gian lớn tại các bãi chôn lấp, chất thải rắn, phế thải xây dựng còn khó phân hủy sinh học gây tác hại lâu dài cho môi trường.

Để giải quyết bài toán rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mới đây TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chương trình xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt đô thị và chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện.

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh – cho biết, hiện nay, việc xử lý chất thải của thành phố chủ yếu là chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế nhưng tỷ lệ xử lý còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của thành phố. Để nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, thành phố đã tiến hành chuyển đổi công nghệ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện.

Việc chuyển đổi này đem lại một số lợi ích về mặt công nghệ như thu hồi điện năng từ rác, một phần điện phục vụ cho nhà máy và phần còn lại hòa vào mạng lưới điện quốc gia, sản xuất các sản phẩm tái chế như gạch không nung, vật liệu xây dựng. Lợi ích của việc chuyển đổi chôn lấp sang đốt rác phát điện là giảm lượng chất thải nếu đem chôn lấp, giảm diện tích đất chôn lấp, tạo năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, ít nước rỉ rác, kiểm soát mùi dễ hơn…

Rác thải xây dựng sẽ được thu gom, phân loại và đưa vào tái chế

Chú trọng tái chế nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Lượng chất thải rắn xây dựng hiện nay chủ yếu phát sinh từ các hộ dân xây dựng và sửa chữa nhà cửa, các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, công trường xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, khối lượng đất và phế thải xây dựng phát sinh gia tăng nhanh chóng theo thời gian.

Vì thế bên cạnh việc chuyển đổi từ chôn lấp sang đốt rác phát điện thì việc tái chế và sử dụng rác thải, phế thải xây dựng được coi là một trong những giải pháp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.

Chiếm 1.800/9.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, lượng rác thải xây dựng của TP. Hồ Chí Minh ước sẽ tăng lên gần 3.000 tấn/ngày vào năm 2025. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, nếu được tổ chức thu gom và tái chế hợp lý thì tỷ lệ rác thải xây dựng có thể tái chế lên đến 90%. Chỉ có 10% mới phải chôn lấp, giảm tối đa quỹ đất phục vụ hoạt động chôn lấp rác.

Để giải quyết bài toán rác thải xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra hai phương án thu gom, vận chuyển nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải xây dựng là thu gom, vận chuyển rác thải xây dựng thông qua trạm trung chuyển chất thải xây dựng riêng; hoặc rác thải xây dựng phát sinh sẽ được hợp đồng trực tiếp giữa chủ nguồn phát thải và đơn vị thu gom vận chuyển.

Sau đó sẽ vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn đô thị hoặc tận dụng san lấp mặt bằng. Với công nghệ tái chế chất thải rắn xây dựng đặc biệt là thép, gạch, bê tông, đá… có thể tái chế, tái sử dụng dưới dạng vật liệu san nền hoặc đổ bê tông cường độ thấp hay tái chế làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung…

Mai Mai (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đốt rác phát điện, tái chế phế thải xây dựng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường