Các bên liên quan từng thể hiện quyết tâm hoàn thành dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò thông qua việc ký cam kết về tiến độ bồi thường, bàn giao mặt bằng thi công vào ngày 30/10/2021. Dù vậy, khá nhiều phần việc đã không hoàn thành.
Về nạo vét luồng, việc bàn giao mặt bằng các vị trí còn vướng mắc đoạn từ giáp ranh TP.Hội An đến cầu Ông Tú (Km14+00) theo cam kết phải hoàn thành vào ngày 30/4/2022 nhưng hiện còn 5ha chưa bàn giao cũng như chưa xác định được 69 thửa đất trong phạm vi tuyến luồng đã bồi thường hay chưa.
Với dự án cầu Nghĩa Tự, hiện vẫn chưa bàn giao xong mặt bằng phần cầu (mố và trụ cầu) như mốc thời điểm 30/3/2022 theo kế hoạch mà chỉ mới xét đất tái định cư, kiểm đếm và đang lập phương án bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Kế hoạch bàn giao xong mặt bằng đường dẫn 2 đầu cầu vào ngày 30/12/2022 cũng thất bại khi còn đến 42/51 hộ ở hai đầu cầu chưa kiểm kê, chưa xét nguồn gốc đất, chưa xét đất tái định cư. Hai khu tái định cư phục vụ cho dự án là khu đô thị Nghĩa Tự và khu dân cư Thống Nhất thực hiện rất chậm, khó đáp ứng tiến độ đã cam kết.
Chiếu theo Thông báo số 356 ngày 9/6/2022 của Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 thì còn nhiều nội dung đang chậm tiến độ.
Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho biết, từ khi thông xe kỹ thuật cầu Nguyễn Duy Hiệu (4/2022) đến nay, dự án hầu như không mấy chuyển động. Cầu Nghĩa Tự chưa triển khai thi công do không có mặt bằng. Nhà thầu cũng tạm ngừng thi công phần luồng do các bãi chứa đầy, thiếu mặt bằng thi công.
Theo ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn, có nhiều vướng mắc trong việc triển khai dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò; trong đó mấu chốt vẫn là xác định nguồn gốc đất và lúng túng trong bố trí tái định cư.
“Công tác quản lý hiện trạng đồng ruộng chưa tốt dẫn đến mất hiện trạng theo đo đạc, từ đó nảy sinh tranh chấp của người dân. Trong khi đó, việc để dự án triển khai mới lo khâu tái định cư khiến công việc này chật vật bởi để một khu tái định cư hình thành trong điều kiện thuận lợi chí ít cần đến 2 năm” - ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, vướng mắc trong việc bàn giao mặt bằng triển khai dự án này có thể chia thành 3 nhóm, gồm nhóm chưa lập phương án bồi thường, nhóm 69 hộ đang chờ xác minh về việc đã chi tiền bồi thường hay chưa và nhóm 26 hộ có quyết định bồi thường nhưng chưa đồng ý nhận tiền. Đối với 11 hộ sử dụng đất công ích 5% không nhận tiền bồi thường theo phương án đã được duyệt, UBND thị xã sẽ tổ chức đối thoại, vận động giải quyết trước ngày 15/6/2023.
Một trong những hạng mục quan trọng của Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò là cầu Nghĩa Tự vẫn chưa thể khởi công. Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn, nếu giải phóng mặt bằng được một hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng cư trú ngay sát mố cầu thì có thể khởi công dự án cầu Nghĩa Tự.
Hiện UBND thị xã Điện Bàn chia dự án này thành 2 giai đoạn, trước mắt ở giai đoạn 1 với 7/9 hộ ảnh hưởng đất ở thuộc khu vực thi công mố và trụ cầu Nghĩa Tự đã chọn ví trí tái định cư. Trên cơ sở này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh kỳ vọng sẽ sớm có mặt bằng làm chỗ tập kết vật liệu để khởi công hạng mục cầu Nghĩa Tự trước ngày 30/6/2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho hay, hiện nay giữa dự án nạo vét với một số dự án khu đô thị ven sông Cổ Cò vẫn còn khoảng trống. Việc này UBND tỉnh sẽ có định hướng xử lý để đảm bảo khớp nối, còn hiện tại các đơn vị cần tập trung đảm bảo thi công hoàn thành dứt điểm phần phía trong luồng, song song với quá trình tháo gỡ vướng mắc cần chủ động củng cố hồ sơ các trường hợp không hợp tác để bảo vệ thi công.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đề nghị các bên liên quan theo các nhóm vướng mắc đã phân loại tiếp tục quyết liệt làm rõ, tháo gỡ vướng mắc và lên thời hạn cụ thể về thời điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng theo từng phần việc, trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo ngay UBND tỉnh để xem xét, giải quyết. Cố gắng đến 30/10/2023 bàn giao mặt bằng toàn tuyến sông Cổ Cò để t