Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ khoảng ngày 3 - 10/11, khu vực miền Trung có thể chịu ảnh hưởng tổ hợp của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn, gồm vùng xoáy thuận nhiệt đới ở nam và giữa Biển Đông; ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường cộng với đới gió đông hoạt động mạnh trên độ cao từ 1.500 - 5.000 m.
Cụ thể, từ gần sáng ngày 3/11 đến ngày 4/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 70-150mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>150mm/6h).
Ngày 4/11 và ngày 5/11, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 300mm; riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng lượng mưa phổ biến 100-250mm, cục bộ có nơi trên 350mm. Mưa lớn ở các tỉnh miền Trung có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày và có khả năng mở rộng xuống đến Bình Định.
Cơ quan khí tượng đánh giá, miền Trung đang đối mặt với nguy cơ mưa cường suất lớn, gây ra lũ lớn trên báo động 3 ở các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ. Cạnh đó là tình trạng ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi. Đặc biệt, vùng mưa lớn không chỉ tập trung ở chính các tỉnh đã có mưa rất lớn trong những ngày qua (từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng) mà còn mở rộng tới các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt mưa lớn. Trong đó nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.
“Các tỉnh Trung bộ giai đoạn từ ngày 26 - 30/10 đã xảy ra mưa rất lớn, các hồ đã tích thêm nước, đất đã bão hòa nên chúng tôi cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung, kèm theo đó là tình trạng ngập úng diện rộng có khả năng xuất hiện”, ông Khiêm nói.
Trước diễn biến của mưa lớn ở miền Trung trong 10 ngày tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công thương, Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai.
Nội dung văn bản cho biết, do ảnh hưởng của bão số 6 (bão Trà Mi) khu vực miền Trung đã có mưa to đến rất to, có nơi trên 1.000 mm như Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 1.500 mm, hồ Sông Thai (Quảng Bình) 1.250 mm, gây ngập lụt diện rộng.
Trong thời gian tới, mưa lũ ở miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành, các bộ nêu trên khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ bão số 6; chủ động thu hoạch sớm nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.
Cạnh đó, rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định.
Ngoài ra, rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông nhất là khu vực dễ bị chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo về mưa lũ để chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.