EU chính thức hoãn thực thi luật chống phá rừng thêm một năm
Theo quyết định hoãn thực thi luật chống phá rừng, từ tháng 12/2025, EU sẽ cấm nhập khẩu các mặt hàng như thịt bò, đậu nành, cà-phê, dầu cọ và các sản phẩm khác liên quan đến nạn phá rừng.
Nghị viện châu Âu (EP) chính thức phê chuẩn việc hoãn thực thi luật chống phá rừng thêm một năm. Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực nới lỏng một số điều khoản của luật, nhưng những đề xuất này bị bác bỏ trong các cuộc đàm phán với các nước thành viên. Sau đó, hai bên đạt thỏa thuận hoãn thực thi luật thêm 12 tháng.
Sau khi được EP thông qua, các quốc gia thành viên EU đã phê chuẩn, qua đó chính thức luật hóa quyết định này. Theo quyết định hoãn thực thi luật chống phá rừng, từ tháng 12/2025, EU sẽ cấm nhập khẩu các mặt hàng như thịt bò, đậu nành, cà-phê, dầu cọ và các sản phẩm khác liên quan đến nạn phá rừng.
EUDR yêu cầu nhà nhập khẩu của EU phải chứng minh bảy mặt hàng nông nghiệp chủ lực gồm dầu cọ, đầu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc (bò) và cao su không được sản xuất từ đất rừng bị phá sau năm 2020. Nếu không chứng minh được, những mặt hàng này sẽ bị cấm nhập khẩu. EUDR được thiết kế nhằm chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn tình trạng xói mòn đa dạng sinh học. Theo EU, nạn phá rừng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai, gây biến đối khí hậu, chỉ đứng sau các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.
Việc trì hoãn chính sách đầu tiên trên thế giới về chống nạn phá rừng bị xem là một bước lùi đối với chương trình nghị sự xanh của EU. Tuy nhiên, quyết định trì hoãn này lại nhận được sự ủng hộ từ một số quốc gia và doanh nghiệp. Một số ngành công nghiệp, trong đó có ngành sản xuất ô-tô và hàng không, đã phản đối các biện pháp chống biến đổi khí hậu của EU vì cho rằng đây là một gánh nặng. Brazil và Indonesia coi chính sách của EU là hành động bảo hộ thương mại, đồng thời lo ngại biện pháp này có thể khiến hàng triệu nông dân nhỏ lẻ, nghèo khó bị loại khỏi thị trường EU.
Ban đầu, luật chống phá rừng dự kiến có hiệu lực từ ngày 30/12/2024. Theo luật, các công ty và nhà xuất khẩu muốn đưa các sản phẩm như thịt bò, đậu nành, cà-phê, dầu cọ vào thị trường EU phải cung cấp bằng chứng cho thấy chuỗi cung ứng không góp phần vào nạn phá rừng. Ngoài ra, nông dân EU cũng sẽ bị cấm xuất khẩu các sản phẩm được trồng trọt, sản xuất trên những vùng đất rừng bị phá hoặc suy thoái.
Theo tổ chức Global Witness, trong giai đoạn 2021-2022, nạn phá rừng liên quan đến các hàng hóa nhập khẩu vào EU đã tạo ra ít nhất 120 triệu tấn khí thải CO2.