Nạn phá rừng Amazon tại Brazil giảm đến mức thấp nhất trong 9 năm

Hoàng Thơ |08/11/2024 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với việc tăng cường thực thi luật môi trường, nạn phá rừng Amazon tại Brazil đã giảm đến mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Dữ liệu do Chính phủ Brazil mới công bố cho thấy, diện tích rừng Amazon bị mất tại nước này đã giảm 30,6% so với năm trước - mức thấp nhất trong 9 năm.

Cụ thể, trong 12 tháng qua, diện tích rừng Amazon bị phá hủy đã giảm xuống còn 6.288km2, tương đương diện tích bang Delaware (Mỹ).

Đồng thời, diện tích rừng bị phá hủy ở thảo nguyên rộng lớn Cerrado của Brazil cũng đã giảm 25,7%, xuống còn 8.174km2 - mức giảm đầu tiên trong 5 năm qua.

pha-brazil.jpg
Nạn phá rừng Amazon tại Brazil đã giảm đến mức thấp nhất trong 9 năm (Ảnh minh họa)

Kết quả này của chính quyền Tổng thống Lula da Silva được đánh giá là trái ngược hoàn toàn so với chính phủ tiền nhiệm.

Dưới thời Tổng thống cánh hữu Jair Bolsonaro, việc chính phủ ưu tiên phát triển nông nghiệp hơn bảo vệ rừng đã dẫn đến nạn phá rừng ở Brazil đạt mức cao kỷ lục trong 15 năm.

Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva sau khi nhậm chức cách đây gần hai năm cam kết tăng cường thực thi luật môi trường để hạn chế nạn phá rừng tăng vọt trước đó.

Bộ trưởng Môi trường Marina Silva, cho biết: "Những gì thể hiện hôm nay là thành quả lao động của chúng ta. Chúng ta có thể đương đầu với biến đổi khí hậu".

Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cam kết chấm dứt nạn phá rừng ở nước này vào năm 2030 trong nỗ lực khôi phục uy tín về khí hậu của Brazil - nước sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP30 của Liên hợp quốc tại khu vực rừng Amazon vào năm tới.

Chính quyền Brazil cũng đưa ra cam kết sẽ tăng cường thực thi hơn nữa vào năm tới bằng cách tuyển dụng khoảng 800 nhân viên môi trường liên bang mới, đợt tuyển dụng lớn nhất trong hơn một thập kỷ.

Dù thành công trong việc hạn chế nạn phá rừng Amazon, song các nhà hoạt động môi trường vẫn quan ngại trước việc chính phủ ủng hộ các dự án có nguy cơ gây hại cho khu vực này như khoan dầu ở vùng cửa sông Amazon, hay xây dựng đường sắt vận chuyển đậu nành đến các cảng của Amazon...

Bên cạnh đó, do hệ thống giám sát phá rừng của Brazil theo dõi trong khoảng thời gian từ tháng 8/2023 tới hết tháng 7/2024, nên các dữ liệu mới công bố đã không phản ánh được mức độ rừng Amazon bị tàn phá trong vài tháng qua, khi đợt hạn hán lịch sử dẫn đến cháy rừng bùng phát, thiêu rụi một khu vực có diện tích lớn hơn cả đất nước Thụy Sĩ.

Rừng nhiệt đới Amazon lớn nhất thế giới có diện tích 6,3 triệu km2 trải dài qua chín quốc gia, chiếm hơn 10% đa dạng sinh học của thế giới, đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, do khả năng hấp thụ khí CO2 từ bầu khí quyển.

Ảnh hưởng của việc phá rừng đối với môi trường:

1. Mất cân bằng khí hậu và biến đổi khí hậu

Khi một khu rừng bị chặt phá, độ ẩm giảm xuống và làm cho các cây còn lại bị khô, gia tăng thiệt hại do hỏa hoạn phá hủy rừng nhanh chóng và gây hại cho động vật hoang dã cũng như con người. Ngoài ra, sự mất mát của cây cối cho phép lũ lụt , xói mòn đất , sa mạc hóa và nhiệt độ cao hơn xảy ra nhanh hơn và theo cấp số nhân.

2. Sự nóng lên toàn cầu

Cây xanh giúp giảm thiểu các khí nhà kính, khôi phục sự cân bằng trong khí quyển. Với nạn phá rừng liên tục, tỷ lệ khí nhà kính trong khí quyển đã tăng lên, làm tăng thêm thảm họa nóng lên toàn cầu của chúng ta.

3. Tăng phát thải khí nhà kính

Rừng giúp giảm thiểu khí carbon dioxide và các khí thải nhà kính độc hại khác. Tuy nhiên, một khi chúng bị cắt, đốt hoặc loại bỏ, chúng sẽ trở thành nguồn carbon. Người ta ước tính rằng phá rừng là nguyên nhân gây ra khoảng 20% ​​lượng khí thải nhà kính, và do phá rừng nhiệt đới, 1,5 tỷ tấn carbon thải ra mỗi năm trong khí quyển.

4. Xói mòn đất

Không có cây cối, xói mòn thường xảy ra và cuốn đất ra sông suối gần đó. Rừng đóng vai trò là nhà máy lọc nước của thiên nhiên. Xói mòn đất làm cho đất tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm ngấm vào nguồn cung cấp nước, làm hỏng chất lượng nước uống của con người.

5. Lũ lụt

Khi trời mưa, cây cối hấp thụ và tích trữ một lượng lớn nước nhờ sự hỗ trợ của rễ cây. Khi chúng bị chặt, dòng chảy của nước bị gián đoạn và đất mất khả năng giữ nước. Nó dẫn đến lũ lụt ở một số khu vực và hạn hán ở những khu vực khác.

6. Tăng tính axit trong đại dương

Mức độ gia tăng của carbon dioxide trong khí quyển do phá rừng và đốt nhiên liệu hóa thạch làm cho các đại dương của chúng ta có tính axit hơn. Kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, các bãi biển đã có tính axit cao hơn 30%, khiến các loài sinh vật đại dương và hệ sinh thái có nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng.

7. Mất đa dạng sinh học

Phá rừng dẫn đến mất đa dạng sinh học rất lớn . Khoảng 80% đa dạng sinh học toàn cầu nằm trong các khu rừng mưa nhiệt đới. Rừng không chỉ cung cấp môi trường sống cho động vật hoang dã mà còn thúc đẩy bảo tồn dược liệu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nạn phá rừng Amazon tại Brazil giảm đến mức thấp nhất trong 9 năm