Từ đầu năm tới nay, nạn phá rừng tại Brazil đã giảm hơn 30%

Hoàng Thơ |04/11/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với nhiều biện pháp cứng rắn, Brazil đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc ngăn chặn nạn phá rừng, đồng thời bảo tồn, phát triển rừng nguyên sinh và rừng nhiệt đới.

Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Brazil Marina Silva vừa cho biết, từ đầu năm tới nay, diện tích rừng nhiệt đới bị chặt phá tại nước này đã giảm 30%.

"Brazil đã đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn nhằm giảm tình trạng chặt phá rừng, đa phần tại khu vực rừng nhiệt đới Amazon, lá phổi của thế giới", bà Silva nhấn mạnh.

pha.jpg
Ảnh minh họa

Trong năm 2023, nạn phá rừng tại nước này đã giảm tới 50% và tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tới đây, Brazil sẽ tận dụng vai trò Chủ tịch để kêu gọi các quốc gia chung tay hành động bảo vệ sự cân bằng tự nhiên của hành tinh.

Bà Silva cho biết thêm, Brazil đã đề xuất xây dựng quỹ Rừng nhiệt đới vĩnh cửu nhằm tạo ra nguồn hỗ trợ tài chính lâu dài cho các quốc gia nhiệt đới để bảo tồn rừng vì lợi ích của toàn nhân loại. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho các quốc gia đang phát triển bảo vệ rừng nguyên sinh và rừng nhiệt đới, ngăn chặn tình trạng khai thác và phá rừng bừa bãi.

Hưởng ứng đề xuất của Brazil, 5 quốc gia đã xác nhận hỗ trợ cho quỹ trên gồm Đức, Colombia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Malaysia và Na Uy.

Cũng theo bà Silva, để bảo vệ rừng, Brazil đã thúc đẩy thực hiện nhiều sáng kiến như Kế hoạch quốc gia phục hồi 12 triệu ha thảm thực vật và Chương trình Khu bảo tồn Amazon, thúc đẩy sự hòa nhập kinh tế xã hội của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ hoàn thiện Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia vào cuối năm nay.

Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, trong đó 60% diện tích nằm trên lãnh thổ Brazil. Với khả năng hấp thụ một lượng khí nhà kính khổng lồ, việc bảo tồn rừng Amazon đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn những hậu quả thảm khốc do biến đổi khí hậu.

Tại COP16, các chuyên gia cảnh báo rằng những nỗ lực hiện nay của chính phủ các nước trên thế giới chưa đủ để kiềm chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm ngăn chặn tình trạng Trái Đất nóng lên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Từ đầu năm tới nay, nạn phá rừng tại Brazil đã giảm hơn 30%
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.