Quảng Nam thực hiện các giải pháp ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng

Thanh Thanh|14/08/2024 12:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có xu hướng gia tăng, nhiều vụ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo đó, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 9/8/2024 về việc thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 5/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 335/KH-TU ngày 03/11/2023 của Tỉnh ủy Quảng Nam.

quang-nam-pha-rung.jpg
Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có xu hướng gia tăng

Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, quản lý đất rừng trên địa bàn; tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng xảy ra trên địa bàn; phối hợp kiểm tra ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về lâm nghiệp nói chung và hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng nói riêng.

Đồng thời, theo dõi, quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn, xử lý nghiêm việc lợi dụng chuyển mục đích sử dụng rừng để khai thác rừng, phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp xã đề cao trách nhiệm trong tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng, đất rừng chưa giao, chưa cho thuê và chịu trách nhiệm về phá rừng, mất rừng, chiếm đất rừng do vi phạm pháp luật xảy ra trên diện tích quản lý.

Tăng cường giám sát cộng đồng trong việc thực hiện hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo các chương trình, dự án về lâm nghiệp. Đồng thời, rà soát nhu cầu giao rừng của cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn xã để trình UBND cấp huyện lập kế hoạch, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng phải có chủ quản lý thực sự.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng chức năng phối hợp kiểm tra, rà soát nguồn gốc đất trước khi thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Nghị quyết số 7/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của HĐND tỉnh; trường hợp đất có nguồn gốc từ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng để trồng rừng, sản xuất thì không thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời, tổ chức thu hồi, quản lý, sử dụng theo đúng quy định pháp luật.

Các địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và và Phát triển Nông thôn, chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo đúng quy chế quản lý rừng, quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND cấp xã, các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn.

Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ đề cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo đúng quy chế quản lý rừng và quy định của Luật Lâm nghiệp; tổ chức xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; rà soát bổ sung, hoàn thiện kế hoạch bảo vệ rừng hàng năm trên cơ sở đánh giá lựa chọn các giải pháp, hình thức tổ chức bảo vệ rừng hiệu quả, huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ rừng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Nam thực hiện các giải pháp ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng