Lùi thời hạn thực thi quy định chống phá rừng của EU
Ủy ban châu Âu (EC) vừa đồng ý với đề xuất hoãn thực hiện Quy định về quản lý việc nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) thêm 12 tháng.
Quyết định này được đưa ra sau khi nhận được nhiều phản hồi từ các quốc gia thành viên, trong đó có Đức, và các đối tác thương mại lớn như Brazil.
Luật chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), được thông qua vào cuối năm 2022, dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm gây ra phá rừng như ca cao, cà phê, dầu cọ, thịt bò và gỗ. Luật quy định các doanh nghiệp phải chứng minh được sản phẩm của họ không liên quan đến việc phá rừng hoặc suy thoái rừng từ năm 2020.
Tuy nhiên, việc thực thi luật này gặp phải nhiều khó khăn. Nhiều quốc gia xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp lớn đã bày tỏ sự lo ngại về những tác động tiêu cực của luật mới đối với nền kinh tế của họ. Brazil, một trong những nhà sản xuất nông sản lớn nhất thế giới, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, coi luật này là một "công cụ trừng phạt một chiều".
Trước những lo ngại này, EC đã quyết định trì hoãn một năm để các doanh nghiệp và các quốc gia có thêm thời gian chuẩn bị. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức bảo vệ môi trường.
Các nhà môi trường nhận định, việc trì hoãn thực thi luật chống phá rừng là một bước lùi lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Họ nhận thấy việc phá rừng là một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học suy giảm, và việc trì hoãn sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp và một số quốc gia thành viên EU lại cho rằng cần có thêm thời gian để thích ứng với những yêu cầu mới của luật. Họ lo ngại việc thực thi luật quá nhanh sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quyết định trì hoãn thực thi luật chống phá rừng của EU được xem là một bước đi cần thiết để đảm bảo rằng các quy định được thực hiện một cách hiệu quả và công bằng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp và quốc gia trong việc chuyển đổi sang các phương thức sản xuất bền vững hơn.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực thúc đẩy các hoạt động nhằm xây dựng hướng dẫn thích ứng EUDR đối với ngành hàng cao su, cà phê và gỗ, với sự tham gia của Cục Trồng trọt, Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp, các cơ quan nghiên cứu như Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế như GIZ, IDH, Forest Trends.
Các cơ quan cũng đang tích cực hợp tác xây dựng dự thảo Khung hướng dẫn thích ứng với EUDR cho doanh nghiệp ngành cà phê, cao su và gỗ. Khung hướng dẫn tập trung vào các bước cơ bản mà chủ rừng, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp được khuyến khích cân nhắc khi triển khai thích ứng với EUDR. Trong đó bao gồm hướng dẫn thực thi các quy định về sản xuất hợp pháp và không gây mất rừng, thực hiện trách nhiệm giải trình và truy xuất nguồn gốc, các thông tin cần thu thập, đánh giá và giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh khung hướng dẫn chung cho doanh nghiệp, hướng dẫn cũng sẽ đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho từng mắt xích trong chuỗi cung ứng của các ngành hàng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp cùng Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng đã liên tục chương trình đào tạo để doanh nghiệp Việt Nam từng ngành hàng đang được tổ chức liên tục bởi nhằm nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh trong bối cảnh áp dụng EUDR. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho doanh nghiệp, cập nhật nhiều tài liệu liên quan đến EUDR hơn để doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất thích ứng với thay đổi trong tương lai.