Theo báo cáo mới nhất của Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), trong 11 tháng thuộc năm 2024, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã xảy ra 42 vụ vi phạm quy định về lĩnh vực lâm nghiệp.
So với cùng kỳ năm 2023 thì số vụ vi phạm quy định về lĩnh vực lâm nghiệp đã được lực lượng chức năng phát hiện tăng gần 300%.
Trong đó có 39 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích gần 77.000m2 (rừng phòng hộ hơn 51.000m2, rừng sản xuất hơn 25.000m2).
Hệ lụy từ nạn phá rừng không chỉ làm mất đi tài nguyên quý giá, đe dọa đa dạng sinh học, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra thiên tai và tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đang nỗ lực vào cuộc nhằm kiểm soát và ngăn chặn vấn nạn trên.
Đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông đã xác lập hồ sơ, ban hành và tham mưu quyết định xử lý đối với các đối tượng vi phạm. Trong đó đã khởi tố 3 vụ chuyển cơ quan điều tra công an huyện thụ lý; 3 vụ thuộc thẩm quyền của UBND huyện và 36 vụ thuộc thẩm quyền của Hạt Kiểm lâm. Tổng số tiền xử phạt các đối tượng vi phạm là gần 400 triệu đồng.
Được biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ phá rừng tăng đột biến (gần 300%) là do giá sắn liên tục tăng cao, vì vậy người dân đã phá rừng để trồng sắn.
Phá rừng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với môi trường. Khi rừng bị chặt phá, lượng CO2 trong không khí tăng lên, góp phần làm nóng lên toàn cầu và thay đổi khí hậu. Mất rừng cũng khiến đất đai dễ bị xói mòn, gây lũ lụt và ảnh hưởng đến nguồn nước. Hệ sinh thái rừng bị phá hủy, làm giảm đa dạng sinh học và đe dọa sự sống của nhiều loài động, thực vật. Bên cạnh đó, rừng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng môi trường, do đó việc phá rừng không chỉ gây hại cho thiên nhiên mà còn tác động tiêu cực đến cuộc sống của con người.