Gần 70% diện tích rừng nguyên sinh trên thế giới đang bị suy giảm

Ngọc Linh (t/h)|10/03/2021 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trái Đất ngày càng chịu nhiều những tổn thương nặng nề do thiên nhiên bị tàn phá. Và nếu Amazon mất đi, con người sẽ tự đẩy bánh xe hủy hoại thế giới lăn nhanh hơn.

Theo phân tích mới nhất của tổ chức phi lợi nhuận Rainforest Foundation Norway, với thảm thực vật nhiệt đới rậm rạp đóng vai trò như một hồ chứa carbon lớn nhất, diện tích rừng mất đi cũng là tác nhân chính góp phần gây nên lượng khí thải khiến Trái Đất ấm dần lên.

Ngoài việc làm suy thoái 30% diện tích rừng, việc khai thác gỗ và chuyển đổi đất, chủ yếu cho nông nghiệp, đã xóa sổ tới 34% diện tích rừng nhiệt đới nguyên thủy của thế giới, khiến diện tích rừng còn lại đứng trước nguy cơ tiếp tục bị tàn phá trong tương lai.

Hơn một nửa số vụ phá hủy rừng kể từ năm 2002 đều nằm ở khu vực Amazon của Nam Mỹ và các khu rừng nhiệt đới giáp ranh. Khi nhiều khu rừng nhiệt đới bị phá hủy, càng có nhiều nguy cơ khiến tình trạng biến đổi khí hậu thêm trầm trọng, khi đó những diện tích rừng còn lại càng khó để tồn tại.

 Hàng trăm hecta rừng bị phá từ đầu năm 2020 đến nay

Amazon là nhà của khoảng 10% các loài động thực vật đã được tìm thấy trên thế giới (có nhiều nghiên cứu không chính thức nói rằng con số này có thể lên tới 30%) với hơn 16.000 loài cây, 2.5 triệu loài côn trùng, 2.200 loài cá, 1.300 loài chim (chiếm khoảng 20% các loài chim trên thế giới), 427 loài thú có vú, 430 loài lưỡng cư và 380 loài bò sát. Đây sẽ là sự mất mát lớn của sự đa dạng sinh học trên toàn thế giới khi nhiều loài động vật là đặc hữu của hệ sinh thái rừng nhiệt đới Amazon không còn.

Điều đó đồng nghĩa với việc khi rừng Amazon biến mất hoàn toàn, nguồn dược liệu trên thế giới sẽ trở nên khan hiếm. Hiện tại, khoảng hơn 120 loại thuốc có thành phần chiết xuất thực vật và khoảng 70% các loài thực vật được xác định có thành phần chống ung thư đều thuộc về rừng nhiệt đới. Người ta cho rằng, công thức cho một loại thuốc điều trị ung thư đang nằm đâu đó trong cánh rừng Amazon.

Tác giả phân tích trên cho biết trong giai đoạn 2002 – 2019, tổng số diện tích rừng bị mất đi ước tính lớn hơn diện tích của nước Pháp.

Trong khi theo một nghiên cứu khác của Viện Tài nguyên thế giới, tính trung bình, cứ 6 giây, một diện tích rừng tương đương một sân bóng đá bị biến mất. Rừng Amazon của Brazil là khu vực chịu áp lực rất lớn trong những thập kỷ qua khi phát triển nông nghiệp bùng nổ.

Sau Amazon ở Nam Mỹ, các đảo Đông Nam Á, phần lớn thuộc Indonesia, đứng thứ hai về tình trạng tàn phá rừng kể từ năm 2002, với phần lớn diện tích khu rừng bị chặt phá để làm đồn điền dầu cọ.

Trung Phi đứng thứ ba, với phần lớn diện tích bị tàn phá tập trung xung quanh lưu vực sông Congo, do khai thác gỗ và chăn nuôi truyền thống và nuôi thương mại cũng như khai thác gỗ.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Video
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Gần 70% diện tích rừng nguyên sinh trên thế giới đang bị suy giảm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.