GĐ Sở VH-TT&DL Thanh Hóa: "Nếu không làm được việc, chúng tôi xin từ chức"

Hoàng Anh Thắng|11/07/2023 11:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày thứ hai kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVIII tiếp tục diễn ra với nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu nêu lên những vấn đề quan trọng, thiết yếu mà dư luận quan tâm.

Thảo luận tại kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng liên quan quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích, đại biểu Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, dự luận hiện nay rất quan tâm những vấn đề quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa; các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch.

hong-gd-so-du-lich(1).jpg
Đại biểu Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. (Ảnh: Anh Thắng)

Thanh Hóa là một vùng đất giàu truyền thống, lịch sử cách mạng, nơi phát tích nhiều triều đại phong kiến, vùng đất “tam vua nhị chúa”. Nơi có kho tàng di sản rất lớn với hơn 1.500 di tích, danh lam thắng cảnh.

Vấn đề bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trong thời gian qua luôn thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Tại một số địa phương, đơn vị đã để xảy ra sai phạm trong quá trình tôn tạo. Công tác quản lý, bảo quản, tu bổ di tích là lĩnh vực khá đặc thù, nhạy cảm. Các quy định pháp luật đang chồng chéo với Luật Di sản dẫn đến những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích.

Hiện tồn tại yếu tố các đơn vị tư vấn trên địa bàn yếu và thiếu, chưa đủ kinh nghiệm, năng lực về tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều nhà thầu chưa xác định rõ khái niệm tôn tạo, trùng tu ra sao, chưa hiểu rõ yếu tố gốc tại các di tích; một số người làm công tác quản lý về di sản văn hóa các địa phương còn thiếu và yếu, chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, nên dẫn đến những sai phạm trong công tác quản lý, bảo quản và tu bổ di tích.

Trong thời gian tới, căn cứ mục tiêu kích cầu du lịch, trong năm 2023, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức hơn 70 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhằm thu hút du khách. Đẩy mạnh hơn việc quản lý, chuyên môn, năng lực trong các hoạt động giữ gìn, tôn tạo các khu di tích, đề ra các nhiệm vụ cho đơn vị, địa phương.

Chúng tôi nghĩ rằng nếu mà mà mình không làm được việc, thì chúng tôi xin từ chức, chứ không cần chờ kỷ luật những đơn vị được giao nhiệm vụ”, Giám đốc Phạm Nguyên Hồng khẳng định.

Nhận định thực trạng sản suất nông nghiệp tại địa phương, Đại biểu Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn thẳng thắn, sản xuất nông nghiệp vẫn chưa có nhiều thay đổi lớn, tự phát, nhỏ lẻ. Giá nguyên vật liệu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn ở mức cao; quỹ đất trồng trọt là 243.252 ha, lâm nghiệp 647.737,35 ha, nhưng bình quân số hộ nông dân thì rất thấp, chỉ 0,32 ha/hộ-0,66 ha/hộ đất sản xuất. Toàn tỉnh có 27.000 doanh nghiệp, nhưng lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ hơn 1.200 doanh nghiệp đầu tư. Đó là hạn chế trong lĩnh vực này.

Giải pháp cho 6 tháng cuối năm phải đối mặt với thiên tai, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, dịch bệnh cây trồng, ông Cường đề nghị tỉnh quan tâm những khía cạnh như giống lúa mùa, không để thiếu nước sản suất, chú trọng vùng cây trồng đặc sản có giá trị. Kiểm soát tốt dịch bệnh trên dần gia súc gia cầm, thực thiện tiêm phòng vắc xin phòng dịch đạt tỷ lệ tiêm của tổng đàn đạt 80%. Vệ sinh chuồng trại, thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng, tiêu diệt vector truyền bệnh. Kiểm soát tốt khâu giết mổ và vận chuyển; đẩy nhanh tiến độ các dự lớn trong chăn nuôi; sớm đưa 2.000-3.000 bò sữa về trang trại TH, dự kiến đến quý III năm 2024, Công ty TNHH Hai thành viên thực phẩm sữa Yên Mỹ (TH) sẽ khởi công nhà máy chế biến sữa tại Yên Mỹ.

Công tác PCCCR phải được nâng cao, đảm bảo an ninh tại chỗ, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra. Hoàn thành kế hoạch trồng rừng; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho dự án thuê môi trường rừng tại Vườn Quốc gia Bến En và Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Đối với khai thác hải sản, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép. Động viên ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển khai thác hải sản đúng quy định. Chủ động để ứng phó với thiên tai nhất là các điểm xung yếu về đê điều, hồ chứa; đặc biệt là các khu vực xung yếu về dân cư; xây dựng phương án để di chuyển dân cư đến nơi an toàn khi có thông báo về các loại hình thiên tai. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư để sớm ổn định cuộc sống của người dân đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của Nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới chú trọng cho hai huyện Hậu Lộc và Hà Trung đạt chuẩn Nông thôn mới cấp huyện. Hoàn thành tiêu chí huyện NTM nâng cao với huyện Thọ Xuân để báo cáo Trung ương vào đầu năm 2024; quan tâm chú trọng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu vượt số lượng tỉnh giao năm 2023.

Ngoài ra, ông Cường còn đề xuất, kiến nghị tỉnh báo cáo với Trung ương để xin hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và tỉnh bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp công nghệ cao Thanh Hóa để thu hút đầu tư. Hiện khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thanh Hóa là 1 trong 22 khu của cả nước theo Quyết định số 575/QĐ-TTCP của Thủ tướng Chính phủ; ngày 01/7/2016, UBND tỉnh có văn bản số 7040/UBND-THKH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn.

Ông Hoàng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết: từ giữa tháng 5/2023 thời tiết cực đoan, thiếu nước, dẫn đến máy thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thanh Hóa chịu ảnh hưởng chung và xảy ra cắt điện một số nơi. Tỉnh Thanh Hóa có mức độ tiêu thụ lớn, chiếm 10% tổng lượng điện miền Bắc. Thời gian qua, theo phân bổ công suất của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thanh Hóa chỉ cung ứng được 900MW ngày, lượng tiêu thụ thực tế toàn tỉnh lên khoảng 1300MW, nghĩa là thiếu 300MW/ngày.

Đối phó tình trạng trên, Thanh Hóa triển khai xây dựng phụ tải lưới điện. Tuyên truyền các doanh nghiệp, cơ quan, hộ cá nhân tiết kiệm điện. Đăng tải trên các phương tiện truyền thông về lịch cắt điện. Cuối tháng 5 đến tháng 6/2023, hệ thống điện bị suy giảm công suất đột ngột do sự cố các tổ máy nhiệt điện và đường dây 500kv, gây ảnh hưởng cắt điện đột ngột không thông báo được đến doanh nghiệp. Từ ngày 23/6, theo thông báo từ EVN, mực nước các hồ thủy điện khu vực miền Bắc đã phục hồi, sự cố tổ máy nhiệt điện được khắc phục, không phải áp dụng các phương án tiết giảm điện. Kế hoạch thời gian tới là tích cực giải phóng hành lang an toàn lưới điện, xây dựng kịch bản cung cấp, điều chỉnh lưới điện, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, kiện toàn lại hệ thống lưới điện 500KV và hoàn thành xây dựng đường điện 220KV đi qua một số huyện ở Thanh Hóa.

Tham luận về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư, Đại biểu Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư huyện Ủy Nông Cống chia sẻ, so sánh vị trí địa lý, điều kiện thu hút đầu tư, Thanh Hóa có nhiều lợi thế hơn Nghệ An. Nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh, điều cốt yếu tranh phát triển kinh tế hiện nay, được xem là một trong những chỉ báo đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương.

tien-bi-thu-nong-cong.jpg
Đại biểu Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư huyện Ủy Nông Cống phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: Anh Thắng)

Tuy vậy, báo cáo chỉ số PCI năm 2022, Thanh Hóa đã tụt xuống vị trị thứ 47 trên bảng xếp hạng 63 tỉnh thành. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hạn chế mặt bằng sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm khu công nghiệp tương đối chậm và gặp nhiều khó khăn về các thủ tục, nguồn lực ưu đãi. Chủ trương lãnh đạo tỉnh rất quyết liệt, nhưng đâu đó công tác tham mưu một số bộ phận còn yếu, chưa đảm bảo năng lực. Cá biệt trong đầu tư còn tồn tại những cạnh tranh theo kiểu “sân ông, sân tôi”.

Nhằm nâng cao Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh, ông Nguyễn Quốc Tiến đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực. Đối với các sở, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch, triển khai các dự án, giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với các thông tin chỉ đạo, điều hành và chủ trương, chính sách của tỉnh. Tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Khó khăn cần tháo gỡ về giá đất đang gây nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có dám thi công không? Nếu không dám thì ngừng trệ. Làm sao phải xác định giá đất san lấp hợp lý, đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, nhưng phải quản lý chặt chẽ, xác địnhh được 3 loại giá đất. Hiện Nông Cống có nhiều dự án như làm đường cao tốc, đầu tư dự án Bến En. Nông Công là vùng nguyên liệu mỏ, hiện có 18 mỏ đang khai thác, 19 mỏ sắp tới công bố đưa vào khai thác. Đề nghị hoàn trả thi công trên tuyến đường 525 Nông Cống, Lam Sơn, Sao Vàng, vì người dân chịu đựng ảnh hưởng vận chuyển thi công 3 năm rồi. Dự án nhà máy nước Thành Thọ (Nông Cống) cần hoàn thành đáp ứng dự án nước sạch địa bàn vùng nông thôn.

Đại biểu Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm, cần điều chỉnh danh mục đầu tư trung hạn và hàng năm trong giai đoạn 5 năm của Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.

mai-xuan-binh.jpg
Đại biểu Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa

Ông Bình nhận định, với miền núi có 3 chương trình phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng một số chương trình đề án còn chậm, tham mưu chưa cao. Một số công viên chức còn mang tâm lý sợ sai, hoạt động cầm chừng. Tâm lý sợ sai ngày càng tăng. Tồn tại tâm lý “Ba không”: không nói, không tham mưu đề xuất, không làm. Có làm thì làm cầm chừng, nghe ngóng.

Đại biểu đề xuất, vừa qua Chính phủ mới ban hành Nghị định 38/2023/NĐ-CP, quy định trong trường hợp cần thiết UBND tỉnh căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương đề nghị HĐND tỉnh phân cấp cho HĐND huyện giao quyết định các danh mục đầu tư, điều chỉnh danh mục đầu tư trung hạn và hàng năm trong giai đoạn 5 năm của Chương trình mục tiêu Quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Việc phân cấp, sẽ tạo điều kiện cho cấp huyện chủ động trong điều chỉnh các danh mục công trình phù hợp với thực tế của từng huyện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
GĐ Sở VH-TT&DL Thanh Hóa: "Nếu không làm được việc, chúng tôi xin từ chức"
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.