Thanh Hóa: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công đứng thứ 3 cả nước

Hoàng Anh Thắng|10/07/2023 10:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bằng nhiều nỗ lực đổi mới trong quản lý, song song phát phát triển kinh tế, Thanh Hóa đạt chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng vị trí thứ 3 cả nước.

Bức tranh kinh tế tiếp tục những gam màu khởi sắc

Sáng 10/7/2023, tại TP Thanh Hóa đã diễn ra khai mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Tại kỳ họp, báo cáo kinh tế-xã hội nêu rõ, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế đạt khá so với kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 7%, đứng thứ 18 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ.

Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,87%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,55%; dịch vụ tăng 8,1%; thuế sản phẩm giảm 3,33%.

2(1).jpg
Khai mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp cao gấp 2 lần so với cùng kỳ. Năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay. Chăn nuôi phát triển ổn định, các sản phẩm chăn nuôi chính đều tăng so với cùng kỳ và không để xảy ra dịch bệnh.

Theo thống kê, toàn tỉnh trồng mới được 5.650 ha rừng tập trung, bằng 56,5% kế hoạch; không xảy ra cháy rừng. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 104.521 tấn, bằng 49,5% kế hoạch và tăng 4,6% so với cùng kỳ. Có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 64 sản phẩm được xếp hạng OCOP tỉnh.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà phát triển; Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,49% và có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng bằng hoặc tăng so với cùng kỳ. Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa và 42 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và thị trường bất động sản được tăng cường.

Dịch vụ, thương mại tiếp tục phát triển; tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ ước đạt 82.952 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 2.431 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu ước đạt 4.590 triệu USD, tăng 5,3%.

Tổng lượng khách du lịch ước đạt 8,354 triệu lượt, bằng 69,6% kế hoạch, tăng 13% (trong đó khách quốc tế ước đạt 214,6 nghìn lượt); tổng thu du lịch ước đạt 15.072 tỷ đồng, tăng 16,7%. Doanh thu vận tải ước đạt 10.353 tỷ đồng, tăng 34,5%; các hãng hàng không đã tổ chức 4.094 lượt cất hạ cánh tại Cảng hàng không Thọ Xuân, vận chuyển 620.592 lượt khách, giảm 12,1% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 20.577 tỷ đồng, bằng 58% dự toán, giảm 25% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 11.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 33%. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 8.777 tỷ đồng, bằng 65% dự toán và giảm 12%.

Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng cao. Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện quản lý 123 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia và cấp tỉnh; tổ chức đánh giá, nghiệm thu 12 nhiệm vụ; cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ cho 1 doanh nghiệp.

Vừa qua, Thanh Hóa công nhận thêm 4 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 5 di tích được cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Lĩnh vực thể thao đạt nhiều thành tích cao với 186 huy chương các loại, gồm 56 huy chương vàng, 55 huy chương bạc và 75 huy chương đồng; đội tuyển U19 Thanh Hóa giành chức vô địch Giải bóng đá U19 quốc gia.

sam-son-kin-khach.jpg
Du lịch Thanh Hóa đã thực sự trở thành thế mạnh khu vực với bãi biển Sầm Sơn thu hút 5,3 triệu du khách chỉ trong 6 tháng đầu năm.

Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt được đẩy mạnh; giáo dục mũi nhọn được quan tâm và nằm trong tốp đầu cả nước; công tác hướng nghiệp cho học sinh được chú trọng; các kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 30.500 lao động, tăng 3% so với cùng kỳ, trong đó có 5.612 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 47%; giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 13.345 lao động; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ.

Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản được tăng cường. Đã thực hiện rà soát quy hoạch, đánh giá nhu cầu vật liệu thông thường phục vụ công tác san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh; phê duyệt kế hoạch đấu giá 45 mỏ làm vật liệu sản lấp, trong đó đã tổ chức đấu giá thành công 15 mỏ. Công tác giải phóng mặt bằng được tập trung thực hiện; đến ngày 10/6/2023, đã thực hiện chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng được 1.119,4 ha, bằng 47,6% kế hoạch.

Lĩnh vực sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, cải cách hành chính đạt kết quả tích cực. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 cả nước. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 xếp thứ 5 cả nước, tăng 19 bậc so với năm 2021. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 xếp thứ 10 cả nước, tăng 4 bậc.

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Đã tổ chức 434 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã giải quyết 914 vụ khiếu nại và 192 vụ tố cáo.

Những hạn chế, yếu kém cần khắc phục

Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng qua. Điển hình tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với kế hoạch và cùng kỳ. Lĩnh vực chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn, thuốc thú y, vắc xin phục vụ chăn nuôi ở mức cao (tăng 4 - 5% so với cùng kỳ), trong khi giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi không ổn định, giá bán thấp so với chi phí đầu tư; việc khai thác, xâm lấn rừng còn xảy ra tại một số địa bàn. Một số sản phẩm công nghiệp truyền thống vẫn gặp khó khăn, sản lượng giảm mạnh so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu giảm 9,7% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước đạt tỷ lệ khá so với dự toán (đạt 58%) nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 25%); đặc biệt là số thu từ tiền sử dụng đất giảm sâu so với cùng kỳ (giảm 60%).

Tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, Kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa còn rất chậm; chất lượng của nhiều đồ án quy hoạch xây dựng còn hạn chế, nhất là quy hoạch xây dựng xã.

Một số dự án chậm đã nhiều năm nhưng chưa có dấu hiệu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tiến độ đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp qua nhiều năm vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án thứ cấp. Tiến độ hoàn chỉnh thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công khởi công mới còn rất chậm. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch, trong đó một số đơn vị có tỷ lệ đạt rất thấp so với bình quân của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép chưa được giải quyết triệt để. Các dự án xử lý chất thải rắn đã được chấp thuận chủ trương triển khai chưa đảm bảo yêu cầu, việc kêu gọi các dự án đầu tư mới khá chậm.

flc-hoang-long.jpg

Dự án khu công nghiệp Hoàng Long 2.300 tỷ của Tập đoàn FLC tại Thanh Hóa là một trong những dự án tai tiếng, chậm trễ.

Số lượng giáo viên còn thiếu cục bộ ở các cấp học, bậc học chưa được giải quyết dứt điểm. Việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập. Trên địa bàn tỉnh có 12.728 lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng việc làm do hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn; nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trong các doanh nghiệp chưa có dấu hiệu giảm; xảy ra 17 vụ tai nạn đuối nước, gây tử vong đối với 20 trẻ em.

Báo cáo chỉ rõ, nguyên nhân chủ quan những yếu kém trên xuất phát từ công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị chưa chặt chẽ; năn lực, trách nhiệm cán bộ một số nơi còn yếu; còn tồn tại tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng hoặc né tránh.

Mục tiêu đặt ra cho 6 tháng cuối năm 2003, Thanh Hóa đẩy mạnh tăng trưởng GRDP cả năm là 11,0% trở lên, thì tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm 2023 phải đạt 14,59%. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,07% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 19,6% trở lên; dịch vụ tăng 11,22% trở lên; thuế sản phẩm tăng 19,58%; sản lượng lương thực đạt 611,4 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3.069 triệu USD; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 73.910 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 14.763 tỷ đồng. Thành lập mới 1.713 doanh nghiệp. Tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tăng thêm 2.825 ha. Toàn tỉnh thấn đấu thêm 1 huyện, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa, nửa nhiệm kỳ ghi dấu ấn 6 chương trình trọng tâm và 3 đột phá
    Đoàn kết, năng động, sáng tạo, là những nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đã không ngừng phấn đấu, đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. Góp phần xây dựng Thanh Hóa “trở nên một tỉnh kiểu mẫu” theo lời Bác Hồ căn dặn, từng bước đưa địa phương này trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công đứng thứ 3 cả nước