Gia Lai: Những biện pháp khắc phục hạn hán

Hải Anh (T/h)|14/09/2019 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hạn hán kéo dài tại tỉnh Gia Lai cần có các biện pháp đồng bộ và có tính dài hạn để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.

Tìm giải pháp hạn chế mất mùa

Từ đầu vụ mùa 2019, ở các địa bàn Đông Trường Sơn thuộc tỉnh Gia Lai, nắng nóng liên tiếp xảy ra, cùng với đó là sự thiếu hụt lượng mưa nên đã xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. Hàng ngàn ha mía, lúa và cây màu đối mặt với khô hạn phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thậm chí có diện tích mất trắng. Các đơn vị chức năng, ngành NN- PTNT của tỉnh Gia Lai đang tích cực hướng dẫn các địa phương khắc phục, hạn chế thiệt hại.

Theo ông Nguyễn Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, đến nay, toàn huyện có hơn 4.100 cây trồng các loại bị ảnh hưởng. Trong đó, lúa 200 ha (năng suất giảm trên 70% là 145 ha), cây bắp và rau màu các loại hơn 3.900 ha, trong đó giảm năng suất trên 70% là 145 ha, ước thiệt hại trên 57 tỷ đồng.

Để duy trì sự sinh trưởng cây trồng trong vùng hạn, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động nguồn lực tại chỗ, các giải pháp tổ chức chống hạn như vận động nhân dân, huy động dân quân, đoàn viên thanh niên nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đào giếng ở những nơi có điều kiện để tăng nguồn nước. Song song với đó, huyện cũng chỉ đạo cho các xã thống kê, tổng hợp thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ.

Tại huyện Kbang, công tác chống hạn cũng được quan tâm. Ông Mã Văn Tình, Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện Kbang cho biết vì thời gian qua, lượng mưa rất thấp, đặc biệt là tại các xã phía Nam nên một số công trình thủy lợi đã xuống đến mực nước chết. Nhiều con suối gần như khô kiệt. “Hiện nay, phòng cũng đã chỉ đạo UBND các xã kiểm tra, rà soát chính xác số liệu thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi theo quy định về phòng để thẩm định, tham mưu cho UBND huyện xem xét hỗ trợ”, ông Tình cho biết thêm.

Trong điều kiện hạn hán đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng mía, Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai đã triển khai thêm gói hỗ trợ không hoàn lại 1 triệu đồng/ha cho người trồng mía chủ động tưới chống hạn. Ngoài ra, công ty khuyến cáo nông dân chọn các giống mía sạch bệnh, có khả năng chịu hạn, tái sinh gốc tốt. Vận động bà con hợp thửa từ 3ha trở lên để áp dụng cơ giới hóa, bởi vì chỉ có đưa cơ giới vào canh tác mới cải tạo được đất, tăng khả năng chống hạn cũng như kết hợp nhiều khâu chăm sóc giúp tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất…

Mía ở khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai đang kiệt sức

Các giải pháp đồng bộ

Trước tình hình hạn hán kéo dài, điều quan trọng là tiến hành cơ cấu lại thời vụ, cơ cấu lại giống. Đối với cây trồng vụ mùa 2019 chưa xuống giống, cần xem xét lùi thời vụ, hạn chế tối đa thiệt hại, mất mùa. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hồ đập ở vùng phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai cũng cần được chú trọng vì các năm gần đây khu vực này thường xuyên bị hạn từ cuối vụ ĐX và kéo dài đến vụ mùa như năm nay.

Mới đây, BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN- PTNT tỉnh Gia Lai đã khởi công xây dựng công trình hồ Tầu Dầu 2 tại huyện Đak Pơ. Sau khi hoàn thành, công trình có diện tích trên 70ha, trực tiếp cung cấp nước tưới cho 550ha cây trồng, trong đó có 100 ha lúa nước, còn lại là cây trồng cạn, đồng thời phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 20.000 dân ở các xã Cư An, Tân An và Yang Bắc. Ông Nguyễn Văn Hơn cho biết, việc nhà nước đầu tư xây công trình thủy lợi đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp của địa phương, giúp người dân yên tâm hơn trong sản xuất.

TX An Khê hiện có 170 công trình thủy lợi, tổng năng lực tưới gần 419ha lúa nước và một số cây trồng khác. Trong đó có 10 công trình lớn tập trung ở các xã Tú An, Thành An và Song An nhưng diện tích công trình lớn nhất cũng chỉ khoảng 15 ha. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TX An Khê cho biết, hệ thống công trình thủy lợi ở An Khê nhiều song chưa đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho cây trồng. Hàng năm, TX đã xuất ngân sách để duy tu bảo dưỡng, gia cố để tích nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Song trên thực tế, nhiều công trình xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, lạc hậu về công nghệ, hiệu quả phục vụ bị suy giảm, là một trong những nguyên nhân không thể phục vụ công tác tưới tiêu trong đợt hạn hán này. “Thời gian tới, TX An Khê sẽ soát lại hệ thống ao, hồ đập để có phương án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp trong giai đoạn 2021-2025. Việc đầu tư cho các công trình thủy lợi sẽ giúp địa phương phát huy sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn tốt hơn”, ông Nguyên cho hay.

Thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, làm cho việc sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn, nông dân không chỉ phải đối phó với dịch bệnh mà còn bị phụ thuộc rất nhiều đến yếu tố khí hậu. Vì vậy, cần tập trung đầu tư xây dựng các công trình có tính chất cấp bách, chiến lược. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi các vùng khó khăn về nguồn nước sang trồng các loại cây trồng cạn, quy hoạch vùng sản xuất; tiếp tục áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, chủ yếu là rau màu, hoa và cây ăn quả.

Hải Anh (T/h)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Gia Lai: Những biện pháp khắc phục hạn hán
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.