Giải pháp phát triển ngành điện giai đoạn 2021 – 2030

Minh Anh|08/09/2020 03:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 7/9/2020, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030.

Sáng 7/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên giải trình. Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ: Trong giai đoạn 2011-2019, ngành điện đã hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, xứng đáng là một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh tăng tưởng nhu cầu điện năng luôn ở mức cao, ngành điện đã có nhiều cố gắng trong phát triển và cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu điện phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trình bày, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra.

Giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình là 10,5%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành điện vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010. Công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống (Pmax) năm 2019 đạt 38.249 MW.

So với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, sản lượng điện sản xuất ước thực hiện năm 2020 đạt khoảng 93,3% sản lượng quy hoạch, sản lượng điện thương phẩm đạt trên 91,6%. Bộ Công Thương phân tích, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây.

Theo kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng (Bộ Công thương) tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030 với điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Theo đó, điện thương phẩm sẽ giảm 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tuy nhiên, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với công tác cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025.

Vì vậy, để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ năm 2021, ngành điện cần nghiên cứu các giải pháp vận hành để sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và giải pháp tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể triển khai xây dựng nhanh.

Giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra là tiếp tục khai thác hợp lý các nguồn điện mặt trời và điện gió. Các nguồn điện này cần được bổ sung sớm để đưa vào vận hành trong các năm từ 2021-2023 để bù lại phần điện năng không cung cấp được của các nhà máy nhiệt điện bị chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, ngành điện cần tiếp tục ký kết các hợp đồng mua bán điện để nhập khẩu điện từ Lào phù hợp với Biên bản ghi nhớ đã ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; đảm bảo tổng công suất nhập khẩu từ Lào năm 2025 khoảng 3.000MW đồng thời xem xét tăng sản lượng nhập điện qua cấp điện áp 220 kV từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, ngành điện sẽ ưu tiên phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió, điện mặt trời); chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Ngành điện cũng bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hợp tác, xuất nhập khẩu điện với các nước trong khu vực để đảm bào an ninh cung cấp điện; xây dựng lưới điện thông minh để đáp ứng yêu cầu vận hành linh hoạt, tích hợp được với tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo.

Minh Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Giải pháp phát triển ngành điện giai đoạn 2021 – 2030