Việt Nam có 697 sông, suối, kênh, rạch và 38 hồ là nguồn nước liên tỉnh, thuộc 16 lưu vực sông chính; 3.045 sông, suối thuộc các lưu vực sông nội tỉnh. Trong số đó, có khá nhiều sông xuyên biên giới như: hệ thống sông Mê Công (sông Cửu Long), sông Hồng, sông Đằng Giang-Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Sê San, sông Đồng Nai. Tổng lượng dòng chảy của các sông khoảng 830 tỷ m3 đến 840 tỷ m3/năm.
Tuy nhiên, tài nguyên nước của Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh. Các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta lượng nước khoảng 520 tỷ m3 (chiếm khoảng 63%) tổng lượng nước trung bình hằng năm của hệ thống sông. Trong đó, lớn nhất là sông Cửu Long khoảng 450 tỷ m3 (chiếm khoảng 85%) tổng lượng nước từ các sông xuyên biên giới vào nước ta, tiếp đến là sông Hồng khoảng 52 tỷ m3 (chiếm khoảng 10%)… Đáng chú ý, tài nguyên nước mặt của Việt Nam phân bố không đều, khoảng 70% đến 80% lưu lượng nước mùa mưa, chỉ khoảng 20% đến 30% vào mùa khô.
Lưu vực sông Cả, đoạn chảy qua huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. (Ảnh Quang Dũng)
Chất lượng và trữ lượng nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Giai đoạn 2016-2020, phần lớn chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn như: Lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Mã, Vu Gia-Thu Bồn… duy trì ở mức tốt, trong đó tại nhiều sông, đoạn sông, nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Kết quả tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI) dựa trên kết quả quan trắc trung bình năm giai đoạn 2016-2020 tại chín lưu vực sông cho thấy: Chất lượng môi trường trên các lưu vực sông ở nước ta chủ yếu ở mức “trung bình” đến “tốt”. Cục bộ vẫn còn một số khu vực chất lượng nước ở mức kém. Đáng lo ngại, đối với các điểm nóng về môi trường nước trên các lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Cầu, Nhuệ-Đáy, hay trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vẫn chưa được cải thiện. Cụ thể, lưu vực sông Hồng-Thái Bình, điểm nóng nhất về ô nhiễm chất lượng nước là hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải của các địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương có chiều dài là 200km.
Những năm gần đây, hệ thống này bị ô nhiễm nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Kết quả quan trắc trong năm 2019 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy: Hơn 90% các vị trí quan trắc trên hệ thống có thông số ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh vượt ngưỡng B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Trong đó, mức độ ô nhiễm đặc biệt gia tăng vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm) do hệ thống thủy nông đóng để trữ nước phục vụ tưới tiêu. Nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề… chưa được xử lý, xả trực tiếp từ các địa phương trong khu vực vào hệ thống. Hệ thống còn phải tiếp nhận nguồn nước từ các sông khác đang rất ô nhiễm chảy vào như: sông Cầu Bây thuộc Hà Nội; các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên…
Với hệ thống sông ngòi dày đặc gồm 8 lưu vực sông lớn, 25 lưu vực sông liên tỉnh, 75 lưu vực sông nội tỉnh, hơn 3.000 sông, suối, nhưng chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước sinh ra trên phần lãnh thổ Việt Nam. Lưu lượng nước trên các lưu vực sông có sự biến động theo mùa, theo vùng miền (khoảng 80% lượng nước tập trung mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau và giảm mạnh, thậm chí khô kiệt vào mùa hè).
Phần lớn các đô thị ở Việt Nam tập trung dọc theo các sông lớn, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội của đô thị còn chưa đồng bộ, quá tải làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường. Sự phát triển dân số và quá trình đô thị hóa tại các đô thị trong thời gian qua đã và đang gây sức ép đến sử dụng tài nguyên nước và môi trường các lưu vực sông. Sự phát triển các ngành kinh tế làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước, tuy là động lực phát triển song cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông trong thời gian qua.
Môi trường nước trên các lưu vực sông còn chịu tác động mạnh bởi diễn biến, xu thế của biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan. Tại đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung, mùa khô có xu hướng đến sớm và kéo dài hoặc mưa tập trung với cường suất lớn, dẫn tới hạn hán và lũ lụt, ngập mặn và sạt lở bờ biển ngày một gia tăng. Nam Bộ đang đối diện với tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn. Còn Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với vấn đề xâm nhập mặn, hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển cũng xảy ra tại hầu hết các địa phương trong vùng.
Theo đánh giá của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, chính quyền các cấp cũng như cộng đồng, xã hội đã có nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông. Nhưng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng do quá trình phát triển kinh tế-xã hội, áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm qua, đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước các lưu vực sông.
Phát sinh nhiều nguồn thải
Phân tích và đánh giá về các nguồn thải vào các lưu vực sông hiện nay, Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, nguồn gây ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một phần do tiếp nhận chất thải từ các nguồn xả thải vào, một phần do sự lan truyền chất ô nhiễm trong môi trường nước, bao gồm nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn.
Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các khu vực thượng nguồn của các lưu vực sông đều có chất lượng nước tương đối tốt. Trong đó, một số khu vực thượng nguồn có hiện tượng ô nhiễm do chịu tác động bởi hoạt động khai thác khoáng sản. Khu vực trung lưu và hạ lưu (đặc biệt là các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, làng nghề), môi trường nước tiếp tục bị ô nhiễm do tác động của chất thải. Mức độ ô nhiễm phụ thuộc vào yếu tố thủy văn (tăng cao vào mùa khô) và đặc biệt phụ thuộc vào việc kiểm soát các nguồn thải.
Theo số liệu thống kê năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lưu lượng nước thải trên toàn quốc theo giấy phép xả thải đã cấp khoảng 100 triệu m3/ngày đêm. Tùy theo khu vực, vùng miền, tỷ lệ nước thải phát sinh từ các nguồn là khác nhau. Các khu vực nước bị ô nhiễm đều là ô nhiễm hữu cơ, các thông số đặc trưng cho chất hữu cơ và vi sinh vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Vấn đề ô nhiễm dầu mỡ, kim loại nặng chỉ xảy ra cục bộ tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thông thủy hoặc sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản. Tại các khu vực cửa sông, đặc biệt là các cửa sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Trong tháng 3/2020, dự báo xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể vào sâu trong nội địa trên 100km.
Nước thải sinh hoạt là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước ở các lưu vực sông. Ảnh minh hoạ: ITN
Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Nước thải sinh hoạt chiếm 30% tổng lượng thải trực tiếp ra các sông hồ, hay kênh rạch dẫn ra sông (Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là 2 vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước). Lượng nước thải phát sinh trên một đơn vị diện tích ở khu vực đô thị lớn hơn nhiều so với khu vực nông thôn, dẫn đến quá tải các hệ thống thoát nước và tiếp nhận nước thải tại các thành phố. Hiện chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt từ các đô thị loại IV trở lên được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy định.
Nước thải công nghiệp phát sinh chủ yếu ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nước thải công nghiệp đã được chú ý kiểm soát và xử lý, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung là khá cao (88,05%), trong khi chỉ có 15,8% các cụm công nghiệp có hệ thống này. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất kinh doanh nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp xả nước thải không qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn vào các nguồn tiếp nhận tại các lưu vực sông.
Nước thải nông nghiệp phát sinh chủ yếu từ hoạt động canh tác, trồng trọt và chăn nuôi, do có chứa hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón cao. Ước tính mỗi năm khoảng 70 nghìn kg và hơn 40 nghìn lít thuốc trừ sâu không được xử lý, xâm nhập vào môi trường, làm gia tăng mức độ ô nhiễm nước mặt, nước ngầm. Nước thải chăn nuôi và nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng là những nguồn gây ô nhiễm, hiện chưa được quản lý và kiểm soát hợp lý. Theo báo cáo năm 2018 của Bộ Y tế, tỷ lệ nước thải y tế phát sinh tại các bệnh viện trực thuộc Bộ, cấp tỉnh, cấp huyện được xử lý theo quy định đạt 97,3%.
Bên cạnh các nguồn nước thải kể trên, một lượng chất thải rắn không được kiểm soát, đổ bừa bãi gây ô nhiễm các dòng kênh, sông, có nơi làm tắc nghẽn dòng chảy. Tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị ước tính khoảng 86%, tại khu vực nông thôn tỷ lệ này chỉ đạt 40-55% tùy theo từng khu vực. Như vậy, vẫn còn một lượng khá lớn chưa được xử lý theo quy định, chưa kể tới lượng chất thải rắn chưa được thu gom, một phần không nhỏ thải trực tiếp ra ao, hồ, kênh, rạch. Cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại là nguy cơ làm ô nhiễm các tầng chứa nước, dẫn đến suy giảm các nguồn nước trong các lưu vực sông.
Giải quyết ô nhiễm nước lưu vực sông
Để từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm các dòng sông, các lưu vực sông cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, trong đó cần tập trung thực hiện một số giải pháp chính như sau:
Nhiều trạm bơm ở Hải Dương xuống cấp do ô nhiễm nước. Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN
Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ các KCN, CCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các khu xử lý rác thải, bãi chôn lấp, các nguồn thải lớn có xả thải ra các lưu vực sông và các sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa.
Thứ hai, tiến hành phân vùng để áp dụng công nghệ xử lý tích hợp đối với từng đoạn sông. Với các đoạn sông đã và đang bị ô nhiễm, sớm nghiên cứu, áp dụng công nghệ cải tạo phù hợp nhằm phục hồi, khơi thông, tạo dòng chảy. Bên cạnh đó, phải chú trọng công tác xử lý tại nguồn thông qua việc triển khai thực hiện tốt quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung; đặc biệt đối với các khu dân cư tập trung đang xây dựng, yêu cầu phải đầu tư hệ thống thu gom, phân tách nước thải, nước mưa riêng biệt.
Thứ ba, không cho phép các dự án đầu tư chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường đi vào hoạt động; các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có xả thải ra lưu vực sông phải đảm bảo xử lý nước thải theo quy định.
Thứ tư, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, mương tưới tiêu thủy lợi trên lưu vực sông. Thực hiện việc bổ cập nước thông qua hệ thống thủy lợi đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu. Kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định, cấp phép xả nước thải vào các công trình thủy lợi.
Thứ năm, rà soát lại toàn bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tiến hành sửa đổi các quy chuẩn bảo đảm tiệm cận với quy chuẩn của các nước tiên tiến, trên cơ sở đó xem xét ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật của địa phương phải cao hơn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Nói về các giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước các lưu vực sông, Ths Phạm Thị Thùy, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên nước. Cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan về quản lý các nguồn thải và chất lượng môi trường nước bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với luật pháp quốc tế. Cần hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, nhất là các hành vi vi phạm nghiêm trọng về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ngoài ra, ngành tài nguyên nước cần sớm xây dựng nhóm chính sách, công cụ để tính toán được sức chịu tải của môi trường nước sông làm căn cứ cấp phép xả vào các nguồn nước; quy hoạch, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất…
Chính quyền các địa phương cần tăng cường biện pháp giám sát, kiểm soát nguồn thải ra các lưu vực sông: Cầu, Nhuệ-sông Đáy, Hồng-Thái Bình, Đồng Nai, Sài Gòn…, và các dòng sông đã bị ô nhiễm trên phạm vi cả nước; chủ động giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh, nhất là chương trình phối hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm nước sông liên tỉnh vào mùa khô. Trong bảo vệ môi trường nước, cần chú trọng kiểm soát hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại các điểm có nguy cơ cao như: Khu vực nuôi trồng thủy sản, khu tiếp nhận nhiều nguồn thải, bến cảng, bến thủy nội địa…
Tuấn Phong