Ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn – Bài 3: Cần có những giải pháp đồng bộ và bền vững

Hoàng Nam|20/08/2021 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nếu người dân đô thị đang phải đối mặt với tình trạng tồn ứ rác thải, ô nhiễm không khí thì người dân nông thôn lại chịu tác động từ vấn đề ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Vậy giải pháp bền vững nào mà mỗi người dân có thể tham gia thực hiện để luôn có nguồn nước sạch sinh hoạt, bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình mình?

>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống

Khi nguồn nước bị ô nhiễm tác động đến sinh kế, sức khỏe và môi trường sống của con người. Vậy, đâu là giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở khu vực nông thôn?

Mỗi người, mỗi nhà cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường nước, phân loại rác là cách bảo vệ nguồn nước nông thôn bớt ô nhiễm

Đồng bộ các giải pháp cơ bản

Để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt nông thôn không bị ô nhiễm, dẫn tới ảnh hưởng sức khoẻ và hoạt động kinh tế của người dân, đầu tiên mỗi chúng ta cần chủ động nâng cao hiểu biết, đồng thời nỗ lực tham gia các hoạt động, bao gồm:

Hạn chế, không sử dụng bừa bãi, lãng phí hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật. Tìm hiểu kỹ lưỡng để sử dụng đúng liều lượng quy định và không vứt bừa bãi hộp, vỏ thuốc đã sử dụng ra ngoài môi trường.

Tích cực phân loại rác và xử lý phù hợp với từng loại rác (rác hữu cơ có thể dùng ủ phân để bón cho cây trồng, đồng ruộng; rác tái chế được như nhựa, túi bóng, giấy thì thu gom bán phế liệu, vừa tăng thu nhập vừa hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước và đất; rác thải nguy hại cần thu gom và để vào khu vực riêng hoặc chuyển cho các tổ chức thu gom địa phương (nếu có)).

Áp dụng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thuận tự nhiên để có thực phẩm sạch, đồng thời hạn chế sử dụng hoá chất làm ô nhiễm nguồn nước. Phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững, vừa thúc đẩy đa dạng sinh học, vừa tạo ra môi trường sống trong lành, an toàn, khoẻ mạnh cho chính chúng ta.

Xây dựng bể biogas, các công trình vệ sinh phù hợp.

Ngoài ra, các gia đình cũng nên:

Xây dựng thành, vách giếng chắc chắn, kiên cố, có nắp đậy để không bị tác nhân bên ngoài như chuột bọ, lá cây… rơi vào giếng.

Lau rửa thường xuyên các dụng cụ lấy nước như gàu, chum, vại, bể nước, không để xảy ra tình trạng đọng nước, bởi đây chính là nguyên nhân hình thành môi trường sống của bọ gậy, vi sinh vật có hại,…

Xây dựng giếng phải đảm bảo khoảng cách an toàn với bể phốt, hố phân gia súc, hố nước thải…

Nước sử dụng để uống, nấu ăn cần được lọc kỹ và nên nấu chín trước khi sử dụng.

Bảo vệ nguồn nước sạch không phải là nhiệm vụ của riêng một cá nhân, tổ chức nào mà là của cả cộng đồng nói chung và người dân sống ở khu vực nông thôn nói riêng. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, điều quan trọng đầu tiên là mỗi chúng ta cần nâng cao hiểu biết và chia sẻ với những người xung quan để cùng bảo vệ nguồn nước từ những hành động, thói quen đơn giản hàng ngày. Thay đổi thói quen để bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta ngay từ hôm nay.

Một nên nông nghiệp hữu cơ, hạn chế phân bón, thuốc trừ sâu giúp bảo vệ môi trường đất, nước

Cần có các giải pháp đồng bộ việc xử lý nguồn nước thải

Thời gian qua, việc xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn đã bước đầu tiếp cận các mô hình xử lý nước thải phân tán cụm dân cư, hộ gia đình. Một số địa phương đã thí điểm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô hộ gia đình, liên hộ theo hình thức phân tán hoặc bán tập trung như: An Giang, Hà Tĩnh, Thái Nguyên… Một số địa phương đã bước đầu quan tâm đến thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn, tìm giải pháp phù hợp với đặc thù phân bổ dân cư và điều kiện thực tế.

Tuy nhiên, quá trình xử lý nước thải nông thôn vướng không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường, cho biết: Nhiều địa phương xây dựng các mô hình xử lý nước thải nông thôn nhưng chưa thành công. Nguyên nhân do không bóc tách được dòng thải, công nghệ chưa phù hợp, thiếu kinh phí vận hành cũng như nguồn nhân lực phù hợp. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tổ chức quản lý, chính sách hỗ trợ và giải pháp công nghệ phù hợp, xây dựng các mô hình thí điểm để có kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng. Các địa phương cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xử lý nước thải nông thôn, nhất là các mô hình phù hợp…

Ông Lưu Tấn Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TP Cần Thơ cho rằng: Ðể đảm bảo hoạt động dân sinh, sản xuất và bảo vệ môi trường nước, cần có các giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả quản lý nước thải tại khu vực nông thôn. Trong đó, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn; điều chỉnh, hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là tiêu chí về môi trường để phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi. Các địa phương xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia bảo vệ môi trường của người dân. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách khuyến khích việc quản lý chất thải nông thôn; xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các dịch vụ môi trường ở nông thôn. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn…

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để giải quyết ô nhiễm nước thải trong chăn nuôi và sinh hoạt cần phải có lộ trình, cách làm triệt để và giải quyết một cách thấu đáo, đồng bộ tình trạng ô nhiễm này. Trong đó, đối với chăn nuôi cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để thu gom cơ bản chất thải rắn trước khi đưa vào hệ thống hầm khí sinh học (biogas), sau đó tiếp tục qua một hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra môi trường.

Đối với rác thải sinh hoạt phải được phân loại từ đầu nguồn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ công cụ, thiết bị thu gom, phân loại cho các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng. Đồng thời hỗ trợ các thiết bị, tiến bộ kỹ thuật mới để xử lý nước thải vệ sinh, nước thải sinh hoạt từ nhà bếp, tắm, giặt… trước khi xả thải ra môi trường.

Hoàng Nam

Bài liên quan
  • Ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn – Bài 2: Nguyên nhân đến từ đâu?
    Moitruong.net.vn – Những năm gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nếu người dân đô thị chịu ô nhiễm với tình trạng tồn ứ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và ô nhiễm không khí do bụi mịn thì người dân nông thôn lại phải chịu tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn – Bài 3: Cần có những giải pháp đồng bộ và bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.