>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống>
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt ở nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, các vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều các vấn đề cần được quan tâm và cần sớm có phương án giải quyết để nâng cao chất lượng đời sống của người dân, trong đó có vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực nông thôn.
Ở Việt Nam, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn và sự hạn chế trong tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, tỷ lệ người dân mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm nước đang có xu hướng tăng lên.
Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước nông thôn
Nước thải nông nghiệp phát sinh từ nhiều nguồn, trong đó, từ hoạt động canh tác, trồng trọt có chứa hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón là thành phần độc hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Ở Việt Nam, hiện nay, hiệu suất sử dụng phân bón thấp, ước tính chỉ khoảng 60% cho nitơ, 40% cho phốtpho và 50% cho kali. Như vậy, hàng triệu tấn phân bón được bón vào đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng.
Trong số phân bón chưa được cây sử dụng, một phần còn lại ngấm trong đất, một phần bị rửa trôi theo nước mặt do mưa, theo các công trình thủy lợi ra các ao, hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
Những năm gần đây, chất lượng nước thải sinh hoạt tại một số ao, hồ, kênh mương khu vực nông thôn cũng đã ghi nhận hiện tượng nước bị ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 90% nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý.
Nước thải nông nghiệp phát sinh từ nhiều nguồn, trong đó, từ hoạt động canh tác, trồng trọt có chứa hoá chất bảo vệ thực vật
Đặc trưng của nước thải sinh hoạt có chứa nhiều chất dinh dưỡng, hàm lượng chất rắn lơ lửng TSS, BOD5, Nitơ của các muối Amoni (NH4+), Phosphat, Clorua (Cl-) và chất hoạt động bề mặt.
Ngoài ra, trong nước thải sinh hoạt còn có các thành phần vô cơ, coliform và các vi khuẩn, vi trùng gây bệnh khác. Nước thải sinh hoạt cũng chứa dầu mỡ và các chất hoạt động bề mặt có nguồn gốc phát sinh do sử dụng các chất tẩy rửa trong sinh hoạt.
Bên cạnh đó, nước thải phát sinh từ chăn nuôi chiếm một lượng khá lớn kèm theo hàm lượng các chất gây ô nhiễm. Tính theo hệ số phát sinh nước thải trung bình trên đầu con vật nuôi là trâu, bò, lợn, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính tổng lượng nước thải phát sinh xấp xỉ 6,66 triệu m3/ngày.
Nước thải chăn nuôi thường có hàm lượng lớn chất rắn lơ lửng, các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh vật với một số thông số ô nhiễm đặc trưng bao gồm: BOD5, COD, tổng Nitơ và tổng Coliform được quy định rõ trong QCVN 62-MT:2016/BNTMT.
Cùng với sự phát triển mở rộng của các làng nghề truyền thống, môi trường làng nghề đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, trong đó nước thải là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Nước thải làng nghề cũng là nguyên nhân chính khiến chất lượng nước trong các công trình thủy lợi bị suy giảm, ô nhiễm, điển hình tại các hệ thống sông Bắc Hưng Hải, sông Đuống, sông Nhuệ.
Nguồn nước thải làng nghề đa phần có xu hướng bị ô nhiễm hữu cơ nặng nề do nước thải từ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ. Trong khi đó, ô nhiễm chất vô cơ lại chủ yếu tập trung tại các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy. Nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng các chất trong quá trình nhuộm…
Hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm xen kẽ giữa khu dân cư, nên việc xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn với chi phí tốn kém. Đã có nhiều giải pháp được triển khai thực hiện nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nước thải làng nghề nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Nước thải làng nghề cũng là nguyên nhân chính khiến chất lượng nước trong các công trình thủy lợi bị suy giảm, ô nhiễm
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng phân bón bị rửa trôi mang theo dư lượng thuốc khá cao. Bên cạnh đó, nghề chăn nuôi cũng góp phần không nhỏ vào hệ lụy này, mỗi năm Việt Nam có khoảng 84,5 triệu tấn chất thải được thải vào môi trường trong đó có đến 80% không qua xử lý. Mặt khác, làng nghề truyền thống với quy trình sản xuất thủ công, lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, phân tán cũng góp phần lớn nước thải không qua xử lý vào môi trường đã và đang làm cho chất lượng nước ở nông thôn ngày càng xuống cấp.
Không chỉ ô nhiễm nước mặt, các nguồn nước ngầm của Việt nam cũng bị ô nhiễm nặng. Tại một số vùng nông thôn, nguồn nước ngầm bị nhiễm vi sinh đã vượt ngưỡng cho phép. Theo báo cáo tại một số địa phương như Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định… nước ngầm đã có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ (N03-, NH4+), kim loại nặng (Fe, As) và đặc biệt ô nhiễm vi sinh (Coliform, E,Coli). Đây là mối đe dọa không chỉ đến hoạt động sản xuất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, bởi khu vực này, người dân không chỉ sử dụng nước ngầm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hàng ngày.
Theo đánh giá của các Bộ Y tế và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nguồn nước bị nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút, dư thừa lượng hóa chất, kim loại nặng nếu không qua xử lý, khi con người sử dụng lâu dài sẽ là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh liên quan đến nước. Trong số những bệnh này, sốt rét là một trong những bệnh phổ biến nhất và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Tiếp đến là các bệnh khác như dịch tả, thương hàn, kiết lị, viêm gan, viêm đa cơ, các bệnh liên quan đến da, hô hấp thậm chí là ung thư.
Theo ThS. Nguyễn Thị Nga (Viện Nghiên cứu Con người), chủ nhiệm đề tài “Ô nhiễm nguồn nước với phát triển con người ở nông thôn Việt Nam hiện nay” cho biết: Mặc dù tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch cho ăn uống hiện nay đã tăng nhưng nguồn nước dùng cho sinh hoạt vẫn còn thiếu. Ở nhiều nơi do chưa có hệ thống xử lý nước sạch, người dân không có đủ điều kiện để chi trả cho việc dùng toàn bộ nước máy nên người dân vẫn phải dùng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm trong sinh hoạt hàng ngày như tắm, giặt thậm chí nấu ăn trong thời kì khô hạn. Việc xử dụng nguồn nước này thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều bệnh liên quan đến tiêu hóa, ngoài da, bệnh đau mắt thậm chí là ung thư vẫn đang diễn ra trong đời sống người dân nông thôn.
Ô nhiễm nguồn nước nông thôn ảnh hưởng tới sinh kế
Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hoạt động nông nghiệp chiếm tới 70% lượng nước toàn thế giới và hoạt động sản xuất lương thực đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững, nó cũng tạo việc làm cho khoảng 40% dân số toàn cầu.
Cơ cấu kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đang chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhưng dân số ở khu vực nông thôn vẫn chiếm khoảng 40% tổng việc làm toàn xã hội.
Ô nhiễm nguồn nước, suy giảm chất lượng canh tác, nuôi trồng, sản xuất ở các làng nghề… đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân
Về sản xuất nông nghiệp Việt Nam là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê (sau Braxin), thứ ba thế giới về nuôi trồng thủy sản và thứ năm thế giới về sản xuất chè. Tuy nhiên, kết quả đạt được nêu trên phải trả bằng chi phí môi trường và tình trạng ô nhiễm ngày một gia tăng đặc biệt là đối với khu vực hạ lưu dân cư đông đúc.
Số liệu thống kê cho thấy sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ đã bị giảm 12% do xả nước thải công nghiệp không qua xử lý, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự đoán giảm 0,85 mỗi năm do giảm sản lượng lúa vì ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp không qua xử lý tiếp tục thải ra môi trường. GDP ngành nông nghiệp được dự đoán bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức sụt giảm khoảng 3,5% vào năm 2035. Đây là ước tính rất thận trọng của các nhà khoa học vì chỉ mới xét cho những tỉnh bị ô nhiễm nhất áp dụng cho các tỉnh ở khu vực hạ lưu, còn trên thực tế cả nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, ước tính rơi vào khoảng 6% GDP vào năm 2035.
Dưới áp lực về tăng trưởng kinh tế, lỗ hổng trong quản lý và xử lý chất thải, áp lực của biến đổi khí hậu, gia tăng nhu cầu xây dựng và hoạt động của các công trình thủy điện trên lưu vực sông trong và ngoài địa phận quốc gia, đã dẫn đến chất lượng và số lượng nước của Việt Nam đang phải đối mặt với mối đe dọa về mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng và thiếu hụt nguồn nước đặc biệt là vào mùa khô.
Theo số liệu thống kê, những vụ cá tôm, thủy hải sản chết hàng loạt do chất lượng nước không đảm bảo đã dẫn đến nhiều địa phương phải đối mặt với dịch bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nông dân.
Bên cạnh đó, sự phát triển của làng nghề cũng là một trong những nhân tố gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, cả nước ta hiện có khoảng trên 3.000 làng nghề, trong đó có khoảng 400 làng nghề truyền thống, vấn nạn xả thải trực tiếp ra môi trường ở các làng nghề đã khiến cho đời sống của không chỉ người dân của chính các làng nghề bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân xung quanh. Khách du lịch nước ngoài, sau kết thúc mỗi chuyến du ngoại làng nghề, khi được hỏi đa số đều trả lời rằng họ sẽ không quay lại bởi họ nhìn ra được vấn nạn ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở các làng nghề. Đây là nguyên nhân chính khiến cho du khách không muốn quay trở lại mặc dù họ có tìm thấy ở đó có nhiều điều thú vị.
Đánh giá về vấn đề này, ThS. Nguyễn Thị Nga nhận định: Ô nhiễm nguồn nước, suy giảm chất lượng canh tác, nuôi trồng, sản xuất ở các làng nghề… đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân, nhất là đối với người nông dân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc không thể có cơ hội thay đổi công việc, chỗ ở. Nếu coi nước là nguồn lực tham gia hoạt động sản xuất, thì ô nhiễm nước đã và đang là một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động trực tiếp đến thu nhập và sinh kế bền vững của người dân khu vực nông thôn. Ngoài ra nó cũng làm cho thu nhập từ hoạt động du lịch bị giảm do không hút được lượng khách đến tham quan và nghỉ dưỡng ở những khu vực bị ô nhiễm nguồn nước.
Hà Anh