Giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Việt Nam - Bài 1: Thực trạng đến hẹn lại lên

Hồng Tú|17/10/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nan giải của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vấn đề ô nhiễm không khí tại nước ta đang cảnh báo sự nguy hiểm tới sức khỏe con người vô cùng nặng nề.

o-nhiem.jpg
Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động

Ô nhiễm không khí là gì?

Ô nhiễm môi trường không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần
không khí, do khói, bụi, hơi hay các khí lạ được đưa vào không khí gây nên các mùi lạ, làm giảm tầm nhìn, biến đổi khí hậu. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người cũng như động thực vật trên trái đất.

Môi trường không khí là tập hợp tất cả các khí bao quanh chúng ta. Không khí có nhiệm vụ cung cấp sự sống cho tất cả các sinh vật trên trái đất, trong đó có con người. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự sinh tồn và phát triển của tất cả các sinh vật trên trái đất. Chính vì vậy nếu không khí bị ô nhiễm thì tất cả mọi người sẽ tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và nhà máy nhiệt điện chạy than cùng với việc sử dụng nhiên liệu rắn là các nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ảnh hưởng tới các nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người.

Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Theo báo cáo và đánh giá Tình trạng không khí toàn cầu của Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (HEI) và Viện Đo lường, Đánh giá Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington và Đại học British Columbia cho thấy, thực trạng ô nhiễm không khí đã diễn ra từ rất lâu và rất nguy hại. Tuy nhiên, cho đến hiện nay chúng ta vẫn chưa có một biện pháp cụ thể nào đó để khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm không khí này.

Theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố mới nhất còn cho thấy gần như toàn bộ 99% dân số trên thế giới đang phải sống chung với bầu không khí có chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao.

WHO còn chỉ ra rằng người dân ở 6.000 thành phố của 117 quốc
gia hiện đang phải hít thở các hạt bụi mịn và nito dioxit ở mức nguy hiểm, đặc biệt là những người đang sinh sống ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình là đối tượng phải tiếp xúc nhiều nhất với không khí bị ô nhiễm.

Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo chất lượng không khí toàn cầu của IQAir năm 2022, nồng độ bụi mịn PM 2.5 tại Việt Nam của năm 2021 là 24,7 μg/m3, có xu hướng giảm so với năm 2019 và 2020. Thế nhưng, khi so sánh với các nước ở khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam xếp thứ 5 trên 9 quốc gia và xếp thứ 36 trong tổng 177 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu.

Theo thống kê của IQAir, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo. Liên Hợp Quốc đã xếp bụi mịn PM2.5 vào danh sách tác nhân gây ung thư. Tác động của nó có thể so sánh với việc hút thuốc lá, gấp 3 lần so với sử dụng rượu và 6 lần đối với HIV/AIDS. "Sát thủ" nguy hiểm hơn cả bệnh sốt rét, tai nạn đường bộ.

Trong báo cáo mỗi năm về chỉ số hiệu suất môi trường do Tổ chức môi trường Mỹ thực hiện, chỉ ra Việt Nam đứng trong top 10 nước bị ô nhiễm không khí tại châu Á. Điều đáng lưu ý rằng tổng lượng bụi ở 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh đều liên tục tăng cao, khiến chỉ số ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang rất báo động. Có nhiều thời điểm tại 2 thành phố này bụi mịn (PM 2.5) bao phủ cả bầu trời làm hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và hoạt động đi lại.

Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), giao thông vận tải đóng góp 24.34% lượng khí thải carbon mỗi năm. Xét riêng lĩnh vực giao thông vận tải, các loại ô tô hạng nhẹ, ô tô tải và ô tô bus lần lượt chiếm 44%, 27% và 6% lượng khí thải carbon mỗi năm. Các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng và dầu diesel, quá trình đốt cháy nhiên liệu dẫn tới phát sinh nhiều loại khí thải như SO2, NO2, CO, bụi (TSP, PM10, PM2.5); thậm chí rò rỉ, bốc hơi nhiên liệu khi vận hành phát sinh VOC, Benzen, Toluen...

Đến năm 2022, toàn quốc có tổng số xe ô tô là khoảng 4,9 triệu và khoảng 48 triệu xe máy đang lưu hành. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, địa bàn Thủ đô Hà Nội có 7.784.657 phương tiện giao thông (ôtô 1.056.423, xe máy 6.545.317, xe máy điện 182.917), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành tham gia giao thông tại Thủ đô.

Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý hơn 8,7 triệu phương tiện, trong đó có hơn 865.000 xe ô tô và hơn 7,8 triệu xe mô tô. So với cùng kỳ năm 2021, tổng số phương tiện đang quản lý tăng 3,13%, trong đó ô tô tăng 7,29%, mô tô tăng 2,70%, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua. Trong số các phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố, nhiều xe qua nhiều năm sử dụng và không thường xuyên bảo dưỡng nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại và bụi trong khí thải cao. Đây là một trong những nguyên nhân của vấn đề ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây ngày càng gia tăng.

o-nhiem-1.jpg
Các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch dẫn tới phát sinh nhiều loại khí thải gây ô nhiễm không khí

Trong hơn 20 năm qua, ô nhiễm không khí tại Việt Nam luôn tăng và có thể nhận thấy xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Số người tử vong do ô nhiễm không khí có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí cao hơn so với hiện nay vào năm 2035. Tình trạng ô nhiễm bụi đang xảy ra ở nhiều đô thị nước ta. Chất lượng không khí ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Tại các đô thị lớn ở miền Bắc, như Hà Nội, số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm khoảng 30,5% tổng số ngày quan trắc, trong đó có một số ngày có AQI suy giảm tới mức rất xấu (AQI = 201- 300). Bên cạnh đó còn có ô nhiễm không khí làng nghề vẫn chưa được kiểm soát, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa có đầu tư thích đáng cho xử lý nguồn thải, nhiên liệu thường dùng là than chất lượng thấp. Vì vậy ô nhiễm không khí làng nghề trong những năm qua có chiều hướng gia tăng. Ở một số làng nghề bị ô nhiễm nặng về bụi, khí độc, hơi kim loại, ô nhiễm mùi và tiếng ồn.

Tại nước ta ô nhiễm bụi chịu tác động rõ rệt bởi các yếu tố khí hậu tạo nên quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm và theo giờ trong ngày.

Những năm gần đây, tại Hà Nội và nhiều địa phương khác của Việt Nam cứ đến mùa Thu - Đông chất lượng không khí lại ô nhiễm ở ngưỡng nghiêm trọng. Ở một số thời điểm, chất lượng không khí vượt ngưỡng 300 theo chỉ số AQI (rất nguy hại) và nhiều thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới.

Ngoài ô nhiễm không khí bên ngoài, ô nhiễm không khí do khói thải từ các hộ gia đình là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn đối với 3 tỷ người, những người nấu ăn và sưởi ấm gia đình bằng nhiên liệu sinh khối và than đá. Khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm có thể quy cho nguyên nhân ô nhiễm không khí tại hộ gia đình trong năm 2016. Hầu hết các gánh nặng bệnh tật này đặt vào các nước đang phát triển. Ô nhiễm không khí tại hộ gia đình cũng là một nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí bên ngoài ở cả khu vực đô thị và nông thôn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Việt Nam - Bài 1: Thực trạng đến hẹn lại lên