Báo cáo phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới vào cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, chất thải nhựa chiếm 94% tổng lượng rác thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông, ven biển. Trong đó, vùng ven biển Việt Nam là nơi chuyển tiếp giữa lục địa và biển. Tại đây nguồn thải từ lục địa ra biển chiếm 60% – 70% ô nhiễm biển, trong đó có ô nhiễm rác thải nhựa.
Theo thống kế, vùng ven biển Việt Nam còn có trên 300 địa điểm sản xuất công nghiệp là các khu kinh tế biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất ven biển cùng nhiều cơ sở công nghiệp rải rác, nhiều làng nghề ven biển. Các tỉnh ven biển cũng có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn. Những hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản này đã phát thải lớn ra môi trường, trong đó có rác thải nhựa, thức ăn chăn nuôi, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật.
Ở Việt Nam có 2.345 con sông trên 10 km, mỗi năm đổ ra biển khoảng 880 km3 nước cùng với hàng trăm triệu tấn vật chất. Do đặc trưng hình thế phần đất liền Việt Nam hẹp chiều ngang nên vật chất từ sâu trong lục địa cũng nhanh chóng theo sông đổ ra biển, trong đó có rác thải nhựa được rửa trôi từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu nông nghiệp. Ngoài ra, vùng ven biển Việt Nam còn chịu các nguồn thải khác, trong đó có rác thải nhựa từ lục địa như các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng kết cấu hạ tầng, cảng biển, chất thải y tế…
Những hoạt động KT-XH từ đất liền nói trên cộng với những hạn chế, yếu kém trong việc kiểm soát ô nhiễm từ nguồn thải lục địa đã phát thải nguồn thải rất lớn ra vùng ven biển Việt Nam, trong đó có rác thải nhựa.
Những năm qua, công tác BVMT nói chung, BVMT biển và hải đảo nói riêng đã được Đảng và nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Hệ thống các văn bản pháp luật về BVMT luôn được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Hành lang pháp lý cho công tác BVMT trong quản lý vùng, lĩnh vực liên ngành và tại địa phương được chú trọng. Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường được thành lập từ Trung ương đến địa phương.
Mặc dù công tác BVMT ở Việt Nam đã được chú trọng, quan tâm song môi trường biển ở nước ta đang có chiều hướng xấu đi. Đặc biệt là rác thải nhựa đại dương không những là vấn đề bức thiết ở Việt Nam mà còn là vấn đề mang tính chất toàn cầu. Để giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa trên biển hiện nay, thế giới và Việt Nam đang có nhiều nỗ lực từ những nỗ lực mang tính pháp lý đến những hoạt động, dự án cụ thể.