[Góc nhìn tuần qua]: Không chủ quan trước bệnh cúm mùa
Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Khoảng thời gian chuyển giao mùa trong năm thay đổi thời tiết từ nắng nóng đến mùa mưa, khô lạnh là điều kiện thích hợp để các loại bệnh cúm theo mùa "hoành hành".
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao khiến cộng đồng thường ghi nhận chùm ca hoặc vụ dịch với hàng chục ca mắc. Bệnh do virus cúm thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, với hai nhóm phổ biến gồm A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (chiếm khoảng 25%).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca nặng, 290.000 đến 650.000 trường hợp tử vong. Tại một số quốc gia, bệnh cúm thường xuất hiện vào mùa lạnh. Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, trong đó năm 2024 ghi nhận hơn 287.000 ca mắc, 8 ca tử vong.
Theo nhận định của GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, sự tăng giảm của cúm vẫn diễn ra theo mùa và không có hiện tượng thay thế lẫn nhau giữa các chủng.
Cúm là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan trên diện rộng. Đối với các trường hợp nặng, bệnh có thể tiến triển nhanh và dẫn đến tử vong. Vì vậy, người dân cần nắm được các thông tin liên quan đến bệnh cúm để phòng bệnh tốt hơn.
Trong hơn một tháng qua, Việt Nam đã ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc cúm mùa. Hiện tại, các cơ sở y tế vẫn đủ khả năng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Cúm mùa thường lưu hành quanh năm, hầu hết người mắc có thể tự khỏi sau 2 – 7 ngày. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan không đi khám sớm, trong khi một số khác lại tự ý mua và sử dụng thuốc, thậm chí tích trữ Tamiflu – một loại thuốc cần có đơn của bác sĩ.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất rõ ràng: chỉ những trường hợp cúm có nguy cơ nặng hoặc có biến chứng mới cần điều trị bằng Tamiflu. Đây là thuốc kháng virus phải có chỉ định của bác sĩ. Đối với cúm thông thường, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng các biện pháp hỗ trợ, và sau khoảng 3 – 5 ngày sẽ tự khỏi. Để được kê đơn Tamiflu, bệnh nhân cần được chẩn đoán xác định mắc cúm do virus, thông qua xét nghiệm và có yếu tố nguy cơ nhất định, như người già, người có bệnh nền, hoặc bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp nặng kéo dài hơn 48 giờ. Việc tự ý sử dụng và tích trữ Tamiflu có thể gây ra nhiều hệ lụy. Nếu không dùng hết, thuốc có thể hết hạn, gây lãng phí. Nếu dùng không đủ liều hoặc quá liều, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, gây khó khăn cho điều trị sau này. Vì vậy, cần bảo tồn Tamiflu để sử dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết.