Đến hết tháng 5/2024, Hà Giang đã hoàn thành 100% kế hoạch chi trả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chi trả diễn ra nhanh, đảm bảo tiến độ kế hoạch cũng như công khai minh bạch là hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng ở Hà Giang thực hiện việc chi trả thông qua việc ký kết hợp đồng với đơn vị dịch vụ chi trả tiền (ngân hàng, bưu điện, Viettell...) để thực hiện thanh toán tiền cho bên nhận khoán bảo vệ rừng, đảm bảo thời gian và an toàn nguồn tiền trong quá trình chi trả theo quy định. Phí dịch vụ trả cho đơn vị dịch vụ chi trả do UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng thanh toán.
Bà Đinh Thị Hà, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Giang cho biết, đảm bảo nguồn vốn trong Quỹ Chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, Quỹ đã phối hợp với UBND cấp huyện, Chi cục Kiểm lâm, Ban Kiểm soát, đơn vị dịch vụ chi trả tiền, UBND cấp xã và các tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng, bên nhận khoán bảo vệ rừng đảm bảo đúng định mức và theo quy định.
Quỹ cũng phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thanh toán tiền, quản lý sử dụng tiền tại cơ sở; lồng ghép công tác kiểm tra giám sát thanh toán tiền với tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với quản lý, bảo vệ rừng tại trụ sở UBND cấp xã, thôn, tổ dân phố hoặc cụm thôn, tổ dân phố qua các hình thức như băng zôn, khẩu hiệu, báo điện tử, phóng sự...
Đồng thời Quỹ thường xuyên cùng với đơn vị hỗ trợ chi trả cấp huyện là Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, xem xét các ý kiến, kiến nghị trong quá trình chi trả đảm bảo chi trả đúng cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo bà Hà: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến đời sống của những người làm nghề rừng, đặc biệt là cộng đồng dân cư, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân và chính quyền nhiều địa phương đã sử dụng hợp lý, đầu tư vào các công trình điện, đường, công trình cộng đồng, tập thể… giúp bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống của người dân cũng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.
Xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì có hơn 1.400ha rừng được nhận chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 250 triệu đồng. Đảm bảo việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện hiệu quả, UBND cấp xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ rừng khi đến nhận tiền và xác nhận các thông tin như, người đi nhận thay, sai họ tên chủ rừng, chủ rừng đã chết, quên căn cước công dân…
Khi hoàn thành việc thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng thì đơn vị dịch vụ chi trả (bưu điện…) và UBND cấp xã, thực hiện xác nhận kết quả thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng theo đúng mẫu có sẵn theo quy định.