Hà Nội: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngang nhiên thi công xây dựng khi chưa hoàn thiện pháp lý về môi trường, quận Hoàn Kiếm có biết?

Thu Thủy – Thùy Dương|21/12/2020 09:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã hết hạn, thi công suốt cả ngày lẫn đêm, gây ô nhiễm môi trường, công ăn ăn ở ngay tại tầng hầm của dự án tiềm ẩn nguy cơ lớn về hỏa hoạn cháy nổ và dịch bệnh là những gì đang diễn ra ngay tại công trình xây dựng của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, Tuy nhiên, những sai phạm này lại không được UBND quận Hoàn Kiếm và phường Hàng Bông phát hiện vào cuộc kiểm tra, xử lý.

VIDEO: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thi công xây dựng khi thủ tục pháp lý về môi trường chưa hoàn thiện

Vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường, vì sao vẫn được thi công?

Dự án xây dựng Trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã quá hạn ĐTM nhiều tháng nay nhưng vẫn được khởi công xây dựng rầm rộ giữa thanh thiên bạch nhật ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội mà không hề bị các cơ quan chức năng từ Bộ Y tế đến chính quyền sở tại là UBND quận Hoàn Kiếm vào cuộc “tuýt còi” xử phạt. Trong quá trình thi công xây dựng dự án đã bộc lộ nhiều dấu hỏi còn tồn tại về thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường.

Dự án xây dựng Trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã quá hạn ĐTM nhiều tháng nay nhưng vẫn được khởi công xây dựng rầm rộ

Theo tìm hiểu, ngày 21/8/2017 Bộ Y tế có quyết định số 3790/QĐ-BYT về việc phê duyệt dự án đầu tư Xây dựng Trung tâm Khám bệnh và điều trị trong ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhằm cải thiện đáng kể về diện tích khoa khám bệnh và khu vực cấp cứu, tăng diện tích mặt bằng cho khu vực thu viện phí, đón tiếp bệnh nhân. Dự án được xây dựng với quy mô 2 tầng hầm, 6 tầng nổi và tum thang với tổng vốn đầu tư 527.180.000.000 đồng (Năm trăm hai mươi bảy tỷ một trăm tám mươi triệu đồng).

Tiếp đến, ngày 2/11/2018 Bộ Y tế có quyết định số 6668/QĐ- BYT phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng dự án Trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày Bệnh viện hữu nghị Việt Đức.

Tuy nhiên, trong quá trình dự án được triển khai thi công xây dựng, tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn nhận được nhiều phản ánh của người dân sống xung quanh dự án về việc thường xuyên phải chịu đựng ô nhiễm môi trường từ tiếng ồn do việc xây dựng trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày gây nên. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sức khỏe của nhiều người dân, đặc biệt là người già.

Trong quá trình thi công xây dựng dự án đã bộc lộ nhiều dấu hỏi còn tồn tại về thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường

Bác N.T.H cho biết: “Tôi già cả rồi, ban đêm đôi khi chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng tỉnh giấc, đằng này dự án của bệnh viện Việt Đức thi công gây ồn ào cả đêm khiến tôi nhiều đêm gần như thức trắng. Hôm nào mà đổ bê tông thì tiếng xe bồn chở bê tông rồi tiếng máy móc hoạt động gầm rú đinh tai nhức óc như tra tấn người dân. Hôm nào họ không đổ bê tông thì lại tập kết sắt thép, từng bó thép được cẩu lên rồi lại rơi uỳnh một cái khiến ai nấy đều giật mình”.

Nhằm xác minh thông tin phản ánh của người dân và việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường của Trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày, PV đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên, tại buổi làm việc chỉ có ông Phạm Hải Bằng – Trưởng khoa khám bệnh và ông Hà Diệp Huy – Cán bộ quản lý dự án. Ngoài ra còn có ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó chủ tịch UBND phường Hàng Bông.

Ông Phạm Hải Bằng – Trưởng khoa khám bệnh làm việc với PV Moitruong.net.vn

Trao đổi với PV, ông Bằng cho biết: “Việc xây dựng trung tâm khám chữa bệnh có đầy đủ thủ tục pháp lý, tiếng ồn chỉ xảy ra vào những ngày đổ bê tông, với những người có tuổi sẽ cảm thấy phiền. Về giấy phép xả nước thải vào nguồn nước bệnh viện chắc chắn có giấy phép, chưa bao giờ bệnh viện hoạt động không có giấy phép cả. Bệnh viện có khai thác, sử dụng nước giếng khoan với công suất khoảng 100m3/ngày đêm và tất nhiên là có phép”.

Tuy nhiên, tất cả những hồ sơ mà ông Bằng cho rằng là có phép thì PV mới chỉ được nghe ông nói bằng miệng, nhưng thực tế ông Bằng không cung cấp được bất kỳ hồ sơ pháp lý nào về thực hiện Luật bảo vệ môi trường, tài nguyên nước nào với lý do cái đó bệnh viện quản lý.

Ông Hà Diệp Huy – Cán bộ quản lý dự án làm việc với PV Moitruong.net.vn

Theo ông Huy – Cán bộ quản lý dự án cho hay: “Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/2019. Đối với dự án nhà nước, các khâu đều được kiểm tra bởi tất cả các bên. Ngoài ra đơn vị quản lý của phường, quận, thành phố  thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với dự án. Gần đây nhất liên ngành thanh tra xây dựng của quận đã kiểm traVề vấn đề quan trắc môi trường thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, phòng hành chính quản trị có trách nhiệm thuê đơn vị quan trắc toàn bệnh viện, đo cả tiếng ồn, nước thải. Dự án được quan trắc trong tổng thể bệnh viện, chúng tôi đã cập nhật thêm các điểm quan trắc quanh công trường gửi cho bệnh viện để quan trắc tổng thể”.

Hơn nữa, ông Huy còn khẳng định: Nguồn nước phát sinh ở công trường hiện tại không có vì sử dụng bê tông tươi, công nhân không sinh hoạt ở đây, gần như không sử dụng đến nước. Trong quá trình thi công xây dựng tầng hầm xe ra vào có cầu rửa lốp, hố ga thu gom nước thải và định kì nạo vét. Nguồn nước thải của công trường được đấu nối chung vào hệ thống xả thải của toàn bộ bệnh viện.

Được biết, dự án xây dựng Trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày của bệnh viện Việt Đức được Bộ Y tế phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường vào ngày 28/10/2016 theo quyết định số 6425/QĐ – BYT. Thế nhưng tháng 10/2019 dự án mới khởi công xây dựng, tức là sau 3 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt ĐTM thì dự án mới triển khai thi công xây dựng. Vì vậy, theo điểm a khoản 1 điều 20 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định rất rõ về việc Lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường cụ thể:

Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các trường hợp sau: Không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Và tại Khoản 7, Điều 1 Nghị định 40/2019/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường có ghi nhận cụ thể về các trường hợp lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể, các trường hợp sau sẽ phải lập lại báo cáo:

– Dự án thuộc đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 20 Luật bảo vệ môi trường phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.

– Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, việc không triển khai dự án trong thời hạn 24 tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật bảo vệ môi trường là việc chủ dự án không triển khai thực hiện hạng mục nào trong giai đoạn thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng thì đơn vị sẽ phảilập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thì mới được triển khai thi công.

Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường sau thay thế cho quyết định phê duyệt trước đó. Việc lập, thẩm định và phê duyệt lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện theo trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bằng hình thức lấy ý kiến.

Theo quy định của Luật thì dự án xây dựng Trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường

Chiểu theo quy định của Luật thì dự án xây dựng Trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Luật quy định rõ như vậy nhưng không hiểu vì sao Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn bất chấp các quy định của pháp luật cho thi công xây dựng rầm rộ suốt nhiều tháng qua. Điều khó hiểu là những sai phạm này không những không được cơ quan chức năng vào cuộc  xử lý triệt để mà thậm chí còn được Bộ Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm “ưu ái” làm ngơ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư ngày đêm “lộng hành” thi công xây dựng coi thường luật pháp Việt Nam.

Liên quan đến việc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức triển khai thi công dự án Trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã hết hạn. Ông Bằng bao biện rằng: “Do trong thời gian 3 năm, bệnh viện đã triển khai hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý để xây đựng dự án chứ không phải là không triển khai“.

Đi thực tế tại công trường, PV vô cùng ngạc nhiên khi ngay tại tầng hầm 1 từ ngoài vào bên trong của dự án đều được chủ đầu tư tận dụng cho gần 30 công nhân ăn ở, sinh hoạt với môi trường sống tối tăm, tạm bợ và nhếch nhác. Nguy hiểm hơn, tại khu bếp nấu ăn tại công trường là những bình ga, bếp ga, bếp điện với những đường dây điện được đấu nối chằng chịt như mạng nhện, giăng khắp nơi. Điều này dễ dẫn đến tình trạng chập điện, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, liệu cơ quan chức năng của quận Hoàn Kiếm, và phường Hàng Bông có biết?

Ngay tại tầng hầm 1 từ ngoài vào bên trong của dự án đều được chủ đầu tư tận dụng cho gần 30 công nhân ăn ở, sinh hoạt với môi trường sống tối tăm, tạm bợ và nhếch nhác

Việc chủ đầu tư là đơn vị bệnh viện nhưng lại cho phép nhà thầu cho hàng chục công nhân ăn ở ngay tại trong công trường sẽ gây tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ rất có thể lây lan sang khu điều trị, khám, chữa bệnh. Khi đó hậu quả sẽ như thế nào thì không ai có thể lường trước được?.

Công nhân ăn ở đun gas, đun điện cùng với việc để xe máy ở tầng hầm khi chưa được nghiệm thu PCCC gây nguy cơ xảy ra cháy nổ rất lớn

Hơn nữa, nhà thầu còn tận dụng tầng hầm làm nơi để xe máy. Công nhân ăn ở đun gas, đun điện cùng với việc để xe máy ở tầng hầm khi chưa được nghiệm thu PCCC gây nguy cơ xảy ra cháy nổ rất lớn. Cộng hưởng với nguy cơ này chính là 3 bình ô xy với dung tích lớn phục vụ khám chữa bệnh của bệnh viện đang được đặt ngay cạnh công trình, gần với tầng hầm nơi công nhân hàng ngày đang ăn ở sinh hoạt. Nếu không may xảy ra sự chố cháy nổ mà những người công nhân kia không thoát thân kịp thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?.

UBND phường Hàng Bông có đang “bất lực” trước những sai phạm của Bệnh viện Việt Đức?

Để thông tin được đa chiều và khách quan và làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của UBND phường Hàng Bông, PV Moitrtuong.net.vn đã có buổi làm việc với lãnh đạo phường. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó chủ tịch UBND phường Hàng Bông cho biết: “Phường có phối hợp với các đơn vị của quận kiểm tra về xây dựng, an toàn lao động của dự án thì họ vẫn chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Sau buổi làm việc ở bệnh viện, tôi đã có 1 buổi làm việc riêng với anh Huy và anh Bằng yêu cầu bệnh viện giải trình, thể hiện rõ việc công trình xây dựng Trung tâm khám bệnh và điều trị ban ngày vẫn triển khai từ khi có ĐTM đến khi khởi công nhưng họ chưa cung cấp được và giữ nguyên quan điểm việc chuẩn bị các hồ sơ pháp lý để thực hiện dự án là đang triển khai. Nếu tôi không nhầm thì anh Phó Chủ tịch trước của phường cũng đã có một văn bản đề xuất yêu cầu bệnh viện Việt Đức điều chỉnh lại ĐTM”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó chủ tịch UBND phường Hàng Bông làm việc với PV Moitruong.net.vn

Trước câu hỏi của PV về việc phường có nắm bắt được công nhân đang ăn ở trong công trường hay không? Ông Hoàng Anh cho hay: “Khi chúng tôi kiểm tra thì chỉ có công nhân sản xuất thôi, chứ không có công nhân ăn ở. Việc công nhân có ăn ở tại công trường hay không chúng tôi không quản lý mà phải do công an. Còn về quyển phê duyệt ĐTM, kết quả quan trắc môi trường định kì phía Bệnh viện Việt Đức chưa cung cấp cho phường, các hồ sơ như giấy phép khai thác nước dưới đất, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước phường không yêu cầu cung cấp được vì cái này do bệnh viện quản lý. Sau buổi làm việc hôm nay chúng tôi sẽ làm công văn gửi bệnh viện đề nghị phối hợp cung cấp”.

Trong những năm qua đã có không ít đơn vị doanh nghiệp triển khai xây dựng dự án tại Hà Nội chưa được phê duyệt ĐTM nhưng vẫn triển khai xây dựng, bị cơ quan báo chí và người dân phản ánh. Vụ việc này một lần nữa cho thấy, dường như các cơ quan chức năng Tp Hà Nội đang buông lỏng quản lý và có dấu hiệu bao che cho Bệnh viện triển khai thi công dự án bất chấp các quy định của pháp luật?

Thiết nghĩ dù dự án xây dựng Trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do Bộ Y tế phê duyệt ĐTM nhưng vẫn phải căn cứ vào Luật bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc dự án triển khai thi công khi ĐTM đã quá hạn là hết sức nghiêm trọng. Đề nghị Bộ Y tế, UBND Tp. Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm nhanh chóng vào cuộc kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Thu Thủy – Thùy Dương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngang nhiên thi công xây dựng khi chưa hoàn thiện pháp lý về môi trường, quận Hoàn Kiếm có biết?