UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Bùi, Hữu Đáy (huyện Chương Mỹ).
Theo quyết định, các đoạn đê qua khu dân cư được nâng cấp, mở rộng mặt đê phù hợp với hiện trạng, kết hợp thực hiện phương án phòng, chống lũ.
Để bảo đảm phòng, chống lũ, đảm bảo giao thông, Hà Nội quyết định nâng cấp, cải tạo, sửa chữa gần 17km đê sông Bùi, trong đó, đoạn đê được xây tường chắn sóng có tổng chiều dài gần 7km; các đoạn đê còn lại được cải tạo, sửa chữa mặt đường phục vụ công tác phòng, chống lũ.
Cụ thể, cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Bùi từ cầu Bến Cốc đến công tiêu Hạ Dục với chiều dài 13,7 km. Trong đó, nâng cấp đảm bảo cao trình chống lũ 9,8km và cải tạo, sửa chữa mặt đê hiện có đoạn qua khu dân cư gần 3,2km.
Cải tạo, sửa chữa nâng cấp mặt đường đê hữu Đáy từ đầu xã Lam Điền đến ngã ba Lưu Xá (xã Hòa Chính) theo tuyến đường đê hiện trạng với chiều dài 17,5km, chiều rộng từ 5,5-6,5m.
Tổng kinh phí khoảng 460 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 358 tỷ đồng. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2024- 2027.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư dự án, đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ hoàn thành dự án.
Việc cải tạo, nâng cấp đê tả Bùi và hữu Đáy được xem là giải pháp thiết thực và cấp bách để giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra. Dự án không chỉ giúp bảo vệ người dân mà còn cải thiện giao thông, góp phần ổn định đời sống và phát triển kinh tế khu vực. Đây được coi là bước ngoặt để thoát khỏi tình trạng ngập úng dai dẳng mỗi mùa mưa lũ.
Được biết, Chương Mỹ được xem là vùng “rốn” lũ của Hà Nội. Mỗi khi mưa lớn, nước từ thượng nguồn, vùng Hòa Bình đổ về tràn qua đê vào khu dân cư gây ngập lụt. Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều xã của huyện Chương Mỹ đã 2 lần bị ngập lụt, có nơi nước ngập qua nóc nhà. Lúc cao điểm, có đến 58 thôn, xóm của huyện Chương Mỹ bị ngập lụt với hàng trăm ngàn người dân bị ảnh hưởng.
Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bão lụt, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế xã hội đạt được, đồng thời là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giao thương giữa các vùng miền. Phát triển và đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là điều kiện giúp phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững.
Các sự cố sạt lở đê điều, hư hại công trình thủy lợi trong thời gian vừa qua không chỉ gây ra những thiệt hại về người và kinh tế mà còn có tác động rất lớn tới vấn đề môi trường khi có thể gây ra các vấn đề về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… Tất cả điều này đe dọa đến cuộc sống của người dân và giảm thiểu nguồn sinh, thực vật xung quanh.