Theo ghi nhận của PV Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn, hiện nay nhiều chợ cóc trên một số tuyến phố ở Hà Nội vẫn ngang nhiên hoạt động dù cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân xử phạt. Điển hình như chợ cóc tại phố Dịch Vọng, Nguyễn Phong Sắc, Trần Cung, Trần Thái Tông…, nhiều tiểu thương bày bán hàng hoá, dừng đỗ phương tiện sai quy định.
Tại phố Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), chợ cóc tự phát nhiều năm nay hoạt động, với đầy đủ các loại sạp hàng như: Thịt, cá, rau, hoa quả, quần áo, đồ gia dụng…, chiếm hết vỉa hè dành cho người đi bộ.
Điều đáng nói, những tiểu thương này bán hàng sát cạnh trạm điện biến áp gây nguy hiểm, mất an toàn, nếu chẳng may điện chập, xảy ra cháy nổ hậu quả sẽ rất khó lường.
Mặc dù có những biển báo nguy hiểm, nhưng nhiều người dân vẫn vô tư ngồi uống nước, bán hàng cạnh trạm biến áp.
Tại ngõ 89 Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội), hàng loạt tiểu thương ngang nhiên chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để bày hàng hoá, buôn bán gây mất an ninh trật tự và cản trở giao thông tại khu vực.
Mặc dù có biển cấm họp chợ, thế nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.
Nhiều tiểu thương dàn hàng hóa, chiếm dụng quá nửa lòng đường để bày bán, khiến việc di chuyển của người dân tại đây gặp nhiều khó khăn.
Người dân còn ngang nhiên buôn bán trước cửa nhà văn hoá của Tổ dân phố.
Người mua, người bán ngang nhiên dừng đỗ xe vô tội vạ hai bên đường gây cản trở giao thông trong khu vực.
Tình trạng xả rác ra lòng đường gây ảnh hưởng đến môi trường và mất mỹ quan đô thị.
“Tình trạng chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã diễn ra nhiều năm, khiến người dân chúng tôi rất bức xúc. Tôi mong cơ quan chức năng có biện pháp quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm vấn đề họp chợ gây ách tắc giao thông này”, anh Đức, một người dân sống trong khu vực, cho biết.
Tương tự, tại phố Trần Cung, phường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nhiều tiểu thương bày bán hàng rong tràn lan trên vỉa hè, xuống cả lòng đường.
Thậm chí điểm dừng xe buýt tại đây còn bị chiếm dụng làm nơi bán hàng. Hành khách đợi xe buýt phải đứng đợi xe dưới lòng đường.
Tiểu thương bày hàng hóa chiếm hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ tại phố Trần Quốc Vượng (Cầu Giấy, Hà Nội).
Việc chăng ô bạt, hàng quán tại chợ cóc kín cả lối đi ngõ 44 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo luật sư Bùi Xuân Lai - Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X, tùy vào từng hành vi lấn chiếm vỉa hè phục vụ cho mục đích kinh doanh mà mức phạt sẽ khác nhau. Theo Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè đường bộ có thể bị xử phạt theo quy định nêu trên với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức. Đối với hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa;... gây cản trở giao thông, chiếm lòng lề đường có thể phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức.