Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi xe buýt điện, hướng tới 100% năng lượng xanh vào năm 2030
Trước áp lực ô nhiễm không khí, Hà Nội đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh vào năm 2030, đồng thời tiến tới mở rộng việc sử dụng năng lượng xanh cho taxi và các phương tiện cá nhân.
Tại cuộc họp báo cáo kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển hệ thống xe buýt điện, năng lượng xanh diễn ra ngày 25/3, Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 153 tuyến xe buýt. Trong đó, 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour.
Số phương tiện xe buýt trợ giá là 1.903 xe với 282 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe CNG và 143 xe buýt điện); còn trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.
UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho 4 đơn vị vận tải vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe.
.jpeg)
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trước tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh là vấn đề được thành phố rất quan tâm. Thành phố đã ban hành đề án, thời gian tới, sẽ nghiên cứu, có kế hoạch cụ thể để triển khai.
Liên quan đến chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng xanh, ông Quyền cho biết tiến tới sẽ không chỉ có xe buýt mà Thành phố sẽ hướng đến chuyển đổi tổng thể tất cả các phương tiện sang sử dụng năng lượng xanh, bao gồm cả taxi và phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy).
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, để khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tham gia chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh thì cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy, để tiến trình chuyển đổi được diễn ra nhanh hơn. Về vấn đề này, lãnh đạo Thành phố giao Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất.
UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát, hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh; phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 phải chuyển đổi 100% xe buýt.
Cùng với đó, Sở Xây dựng nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá các đơn vị vận tải, tiến tới cấp “sao” cho các hãng xe buýt xanh, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân; đồng thời, Sở phối hợp với các địa phương rà soát, đưa vào quy hoạch để xây dựng hệ thống trạm sạc phục vụ chuyển đổi năng lượng xanh.
Ngoài ra, để khuyến khích người dân tham gia chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh, thành phố sẽ có cơ chế, chính sách thúc đẩy, để tiến trình chuyển đổi được diễn ra nhanh hơn.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".
Theo đề án, năm 2025 Hà Nội sẽ chuyển xe buýt điện. Giai đoạn 2026-2035, thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG.
Từ đầu năm 2025, các đơn vị vận tải đang triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.
Trong năm 2025 sẽ chuyển đổi với các phương tiện buýt diezel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn.
Hiện tại, mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã phủ tới 512/579 xã, phường, thị trấn - đạt hơn 88% đơn vị hành chính cấp xã. Trong số hơn 1.900 xe buýt đang hoạt động, đã có 282 xe sử dụng điện và khí hóa lỏng.
Từ năm 2026, thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ triển khai thực hiện thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) theo thời gian sử dụng phương tiện thực tế trên từng tuyến.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện phương án khoảng 48.625 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố khoảng 35.996 tỷ đồng và doanh nghiệp phải tự bố trí khoảng 12.629 tỷ đồng.