Thực hiện chỉ đạo này, UBND các quận trên đang giao các đơn vị tiếp tục vận động, tuyên truyền các hộ dân di dời, đồng thời xây dựng kế hoạch cưỡng chế nếu các hộ cố tình không di dời. Ba Đình là quận có nhiều nhà chung cư nguy hiểm cấp độ D nhất thành phố. Trong đó, 05 nhà được ưu tiên triển khai cải tạo, xây dựng lại trong đợt 1 theo kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội, đó là: nhà A Ngọc Khánh, nhà C8 Giảng Võ, nhà G6A Thành Công, Tập thể Bộ Tư pháp và nhà số 148-150 phố Sơn Tây.
Nhà G6A từ năm 2016 đã nằm trong danh sách chung cư nguy hiểm cấp độ D. Sau đó 01 năm, trước sự xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã vận động nhiều hộ dân di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn. Hộ gia đình ông Nghiêm Xuân Tuy là một trong 03 hộ đầu tiên chuyển đi đến nơi tạm cư, nhưng đến nay vẫn có nhiều trăn trở: “Khi được chính quyền vận động, gia đình cũng đấu tranh, day dứt lắm. Mặc dù mình không muốn đi nhưng cũng phải chấp hành chủ trương để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho chính gia đình mình và cũng vì lợi ích chung của cộng đồng dân cư.”
Gia đình ông Vương Trọng Thọ đã chuyển đến nơi tạm cư ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội được 06 năm nhưng đến nay vẫn thấp thỏm chờ ngày được chuyển về nơi ở cũ. “Lúc gia đình chuyển đi là vì nhà quá nguy hiểm, xuống cấp lắm rồi. Nhưng để xác định bao giờ được chuyển về thì chưa thể biết được vì chưa có chủ đầu tư, thời gian xây dựng cũng không biết kéo dài bao lâu.”
Hiện nay, quận Ba Đình đã hoàn thành việc di dời người dân ở 04 chung cư cũ cấp độ D, chỉ còn lại duy nhất tòa nhà G6A Thành Công vẫn còn gần 50% hộ dân chưa chấp thuận việc di chuyển đi vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là thỏa thuận đền bù.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, việc di dời người dân khỏi chung cư cũ là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Những mong muốn của người dân là chính đáng, xong cần tuân thủ những quy định, quy trình của pháp luật. Việc di dời các hộ dân được thực hiện theo Luật Nhà ở và Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu các hộ dân không đồng thuận thì chính quyền phải có các biện pháp áp dụng về mặt hành chính. Còn việc xây dựng lại chung cư cũ phải phụ thuộc vào quy hoạch, tiến độ triển khai dự án, các thủ tục liên quan thì mới xác định được thời gian cụ thể để người dân quay trở lại.
Thành ủy Hà Nội xác định cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhằm xây dựng đô thị văn minh hiện đại, góp phần bảo đảm ổn định đời sống nhân dân nên yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cần vào cuộc với quyết tâm cao nhất.
Mới đây, để đẩy nhanh tiến độ, ngày 03/02/2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi kiểm tra thực địa, đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các quận Ba Đình, Đống Đa. Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu các Sở, Ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân..., từ đó thúc đẩy tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố.