Hà Nội: Huyện Gia Lâm sẽ thay thế nhà đầu tư dự án nước sạch?

Ngọc Lan (T/H)|24/08/2018 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lâm Đồng: Thiếu vốn lắp thiết bị cảnh báo an toàn đập

(Moitruong.net.vn) – Một số dự án nước sạch tại Gia Lâm, Hà Nội, kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Để kịp thời giải quyết tình trạng này, UBND huyện Gia Lâm đã đề nghị HĐND kiến nghị UBND thành phố xem xét thay thế nhà đầu tư.

UBND huyện Gia Lâm kiến nghị lãnh đạo TP Hà Nội thay thế nhà đầu tư công trình cấp nước sạch chậm tiến độ . Ảnh minh họa.

UBND huyện Gia Lâm mới đây đã có buổi làm việc với Ban Đô thị – HĐND Hà Nội. Ông Trương Văn Học, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cho biết trên địa bàn có 2 thị trấn, 20 xã với tổng số dân hơn 270.000 người. Trong đó, địa phương có 18/22 xã, thị trấn với gần 190.000 người được sử dụng nước sạch, chiếm 70,1%.

Huyện này có 2 công trình cấp nước tập trung từ hệ thống cấp nước thành phố (nhà máy nước Yên Viên công suất 7.200 m3/ngày đêm và nhà máy nước Gia Lâm công suất 60.000 m3/ngày đêm) và 5 công trình cấp nước tập trung từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Trong 5 công trình nước sạch từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia, 2 công trình đã hoạt động ổn định là trạm cấp nước thôn 4 và trạm cấp nước thôn 6 xã Bát Tràng, công suất lần lượt là 2.000 m3/ngày đêm và 290 m3/ngày đêm.

Ba công trình đang triển khai là trạm cấp nước cục bộ Ninh Hiệp, công suất 3.300 m3/ngày đêm, trạm cấp nước cục bộ Phù Đổng, công suất 2.500 m3/ngày đêm và trạm cấp nước Kim Lan, công suất 1.500 m3/ngày đêm. Cả 3 công trình này đều chậm tiến độ.

Dự án cấp nước cục bộ Ninh Hiệp do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Ngọc Hải làm chủ đầu tư. Dự án này được thực hiện từ tháng 1/2015. Đến nay, chủ đầu tư đã khôi phục xong trạm cấp nước, triển khai khoảng 80% đường ống phân phối, dịch vụ, cấp nước cho 1.300/4.100 hộ dân tại xã Ninh Hiệp, đạt khoảng 32%.

Dự án cấp nước xã Kim Lan cũng do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Ngọc Hải làm chủ đầu tư. Dự án triển khai từ tháng 4/2017 và đến nay đã khôi phục xong trạm cấp nước, triển khai 75% đường ống phân phối, dịch vụ. Công trình này đã cấp nước cho 483/1.543 hộ dân, đạt khoảng 31,3%.

Dự án cấp nước xã Phù Đổng do Công ty trách nhiệm hữu hạn nước sạch Hùng Thành Phủ Đổng thực hiện, từ năm 2015. Chủ đầu tư đã triển khai khoảng 80% đường ống phân phối, dịch vụ; cấp nước cho 1.600/3.628 hộ dân, đạt 44,1%.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, với dự án trạm cấp nước sạch trên địa bàn xã Kim Lan, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành trong 2 tháng. Tuy nhiên, do tài chính hạn hẹp, dự án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Nhận thấy năng lực chủ đầu tư hạn chế, UBND xã Kim Lan đã đề nghị huyện kiến nghị thành phố xem xét thay thế nhà đầu tư.

Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Ngọc Hải cho biết chất lượng nước do đơn vị cung cấp cho người dân đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Công ty đã tiến hành lắp đặt hệ thống màng lọc, hướng tới cấp nước uống tại vòi theo mục tiêu của thành phố.

Ông Hải cam kết đến năm 2020, tất cả các ngõ, xóm trên địa bàn xã Ninh Hiệp đều được lắp đặt đường ống phân phối. Riêng dự án trạm cấp nước xã Kim Lan đã tạm dừng từ tháng 10/2017.

Theo ông Hải, tất cả các dự án cấp nước sạch nông thôn cũ đều không có hệ thống xử lý nước thải sau nhà máy.  Công ty đề nghị huyện và thành phố xem xét hỗ trợ xây dựng bể xử lý nước thải.

Ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đề nghị HĐND thành phố kiến nghị UBND Hà Nội mời các nhà đầu tư khác đủ năng lực để thay thế các chủ dự án thi công công trình chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể và thực hiện đúng tiến độ. Chủ đầu tư các dự án phải lắp đặt hệ thống lọc để nâng cao chất lượng nước, tạo niềm tin để người dân yên tâm sử dụng.

Ngọc Lan (T/H)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Huyện Gia Lâm sẽ thay thế nhà đầu tư dự án nước sạch?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.