Theo đó, để chủ động ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại các trận động đất có thể tiếp tục xảy ra, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra đánh giá mức độ ảnh hưởng của động đất đến các công trình xây dựng, nhất là các hồ chứa, nhà cao tầng, nhà ở cũ đã tiếp nhận bàn giao, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở để có phương án bảo đảm an toàn.
Đồng thời, các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo chính quyền cơ sở, chủ các công trình kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về mức độ an toàn của công trình để người dân chủ động ứng phó và tránh tâm lý hoang mang.
Thời gian vừa qua, Hà Nội thường bị rung lắc mạnh do ảnh hưởng từ động đất ở các tỉnh khác. Ảnh minh họa.
Đặc biệt, các địa phương cần rà soát, kiểm tra các hồ chứa nước và hạ du, nhất là các hồ chứa nhỏ có nguy cơ bị ảnh hưởng để có phương án ứng phó phù hợp; phối hợp, báo cáo về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội khi có tình huống xảy ra.
Ban Quản lý các công trình Nhà ở và Công sở, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội phối hợp với chính quyền cơ sở (khi có yêu cầu) trong việc kiểm tra, rà soát và cung cấp thông tin về mức độ an toàn của công trình cho người dân tại các tòa chung cư tái định cư, nhà ở cũ do đơn vị mình được giao quản lý.
Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã; Ban Quản lý các công trình Nhà ở và Công sở; Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cuối tháng 11-2019, hai trận động đất mạnh 5,7 và 5,4 độ richter lần lượt xảy ra tại Lào và tỉnh Cao Bằng đã gây dư chấn nhẹ tại Hà Nội. Nhiều người dân sống ở các chung cư cao tầng tại Hà Nội cảm nhận rõ rung lắc, vật dụng trong nhà chao đảo.
Mai Anh (t/h)