Hà Nội: Lễ hội Chùa Láng năm 2023, phục dựng nhiều nghi thức độc đáo của di sản truyền thống

Nguyên Lâm|26/04/2023 21:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lần đầu tiên sau 70 năm, lễ hội chùa Láng năm 2023 được phục dựng hoàn toàn nhằm tái hiện đầy đủ các nghi thức văn hóa độc nhất vô nhị của đất và người vùng kẻ Láng thuộc kinh thành Thăng Long xưa.

Sáng 26/4 (tức ngày 7/3 năm Quý Mão), lễ hội chùa Láng, quận Đống Đa, TP Hà Nội chính thức diễn ra. Hàng nghìn người dân thủ đô và địa phương lân cận đã đến trẩy hội, tạo nên không khí nhộn nhịp, vui tươi.

Năm 2023 sẽ là cột mốc đánh dấu lần đầu tiên sau 70 năm, công tác tổ chức lễ hội Chùa Láng sẽ được quận Đống Đa triển khai theo hướng khôi phục các nghi thức truyền thống. 

Đây là lễ hội mùa Xuân của cả một vùng gồm nhiều làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch của Hà Nội xưa gồm ba thôn: Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ, kéo dài từ Cầu Giấy đến cầu Mọc hiện nay.

le-hoi-chua-lang-1.jpg
Lễ hội Chùa Láng 2023 thu hút đông đảo người dân khắp nơi tới dự lễ, trẩy hội

Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống làng Láng, đồng thời tưởng nhớ các vị anh hùng, tiền bối đã có nhiều công lao với làng, với dân tộc là Đức Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông – hóa thân của Đức Thiền sư.

Trước đó, ngày 25/4 (mùng 6 tháng 3 Âm lịch), nhân dân địa phương đã thực hành nghi thức dâng hương hoa lễ vật tại chùa Tam Huyền, nơi thờ Đức Thánh Phụ - cha của Đức Thánh Láng Từ Đạo Hạnh; tổ chức lễ khao thỉnh, bao sái, lễ xuất cung rước kiệu Đức Thánh và kiệu Tứ trấn ra ngự tại nhà Bát Giác.

Ngày 26/4 (mùng 7/3 Âm lịch) là chính hội với nghi thức hấp dẫn nhất: Rước kiệu Thánh dọc sông Tô Lịch từ Chùa Láng ra Cầu Cót. Kiệu không đi trên cầu mà đi trên sông Tô Lịch gọi là nghi thức “Độ Hà” và dừng lại trên “Hòn ngọc” để chuyển tiếp sang bờ, đến chùa Hoa Lăng thăm “Thánh Mẫu”. Tại đây, điều làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn “hội Thánh” rất sôi nổi, ngoạn mục, thu hút nhiều người tham gia.

Ngày 27/4 (mùng 8/3 Âm lịch) sẽ diễn ra các nghi thức tế lễ, dâng hương và hoạt động tín ngưỡng truyền thống, dẫn lục cúng...

le-hoi-chua-lang-3.jpg
Nét độc đáo riêng của lễ hội là nghi lễ rước kiệu Thánh qua sông Tô Lịch “Độ Hà”

Đặc biệt, một số nghi thức được thực hành nhằm tái hiện những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong đó có nghi thức “Đấu thần” diễn ra tại chùa Thánh Tổ - nơi thờ Pháp sư Đại Điên. Đây là cuộc “Đấu pháo” độc nhất vô nhị, mô phỏng lại trận đấu giữa Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên, với các tràng pháo thăng thiên kéo dài trong nửa giờ từ đoàn rước hướng sang chùa Thánh Tổ và ngược lại.

Chùa Láng – Ngôi cổ tự được xây dựng vào thời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) – mang nhiều tên gọi như Chùa Cả, Chiêu Thiền Tự,... nổi tiếng với một bề dày lịch sử gần 900 năm và đã từng được coi là ‘‘Đệ nhất tùng lâm’’ của vùng đất phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa.

Từ năm 1962, Chùa Láng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2022, ngôi chùa đón nhận bằng chứng nhận của Bộ VHTT&DL, đưa lễ hội Chùa Láng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Lễ hội Chùa Láng năm 2023, phục dựng nhiều nghi thức độc đáo của di sản truyền thống