Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra tại địa phận các huyện Thường Tín, Thanh Trì (Hà Nội) đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn giao thông đường sắt tại các vị trí lối mở.
Theo thống kê của ngành đường sắt, tai nạn giao thông liên quan xảy ra tại các lối đi tự mở vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 70 - 80%. Trong khi đó, mạng lưới đường sắt quốc gia hiện vẫn còn hơn 3.600 lối đi tự mở. Con số đã được giảm sau hai năm xóa bỏ 418 lối đi tự mở. Thực tế, trong số hơn 3.600 lối đi tự mở còn lại này, có rất nhiều đường ngang vào làng xã, khu dân cư với hàng nghìn hộ dân sinh sống, nếu xoá bỏ hẳn người dân sẽ không có lối đi.
Theo ghi nhận của PV Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống (Moitruong.net.vn) , các lối mở này chủ yếu là do các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt tự mở để tiện di chuyển tắt ra đường bộ, không phải đi ra đường gom, đường ngang có cảnh báo, gác chắn của ngành đường sắt. Các lối mở này thường đi vào các ngõ xóm có đông các hộ dân sinh sống nên có đặc điểm chung là dốc về hai bên lên xuống đường sắt, được lát đá và gắn biển báo “chú ý tàu hỏa” tạm bợ.
Tại tuyến đường Ngọc Hồi, đoạn qua địa bàn thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) có đến hơn 10 lối mở. Mặc dù khu vực trên đã có đường ngang lắp đặt barie tự động nhưng người dân vẫn tự tạo lối đi vào nhà mình.
Người dân ở đây cho biết, họ buộc phải mở lối đi riêng bởi không có đường gom dẫn đến lối ngang lắp đặt barie. Các lối mở ở đây đều được dẫn đến thẳng nhà các hộ dân đang sinh sống tại khu vực trên, khu vực có mật độ dân cư đông. Các lối mở san sát, không có rào chắn, barie, đèn cảnh báo. Việc đi ra bằng lối tự mở được cho là nhanh hơn, tiện hơn. Rất khó để quan sát khi có tàu chạy qua, trong khi đó đèn tín hiệu, chuông cảnh báo, gác chắn, barie... đều không có, rất nguy hiểm khi có tàu chạy qua.
Trên tuyến đường sắt đi qua xã Văn Tự (huyện Thường Tín, Hà Nội), nhiều rác thải nằm tràn lan sát đường tàu, rác lâu ngày chất đống gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là tình hình rác thải tại đây được thu gom cầm chừng, thiếu hiệu quả.
Bà Trần Thị Xuyến (Thường Tín, Hà Nội), cho biết, rác thải chủ yếu ở dãy lề đường bên phía sát đường tàu hay vứt rác ra đường để xe môi trường đi thu gom, nhiều lúc rác nhiều quá tràn ra đường, nguy hiểm cho người đi đường. “Nhiều người dân ở đây tự mở lối đi riêng, không có rào chắc gì hết, thường xuyên xảy ra tai nạn, đợt vừa rồi trước kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa có người chết do tai nạn xong”, bà Xuyến nói.
Theo người dân, rác thải của những hộ dân tại đây sẽ vứt ra bên phải sát với đường tàu, xe thu gom rác sẽ đến thu gom hàng ngày. Đủ loại rác thải được vứt ra đường gây ô nhiễm và mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó là nhiều nhà xưởng xây dựng, cới nới sát với đường tàu thuộc địa phận xã Văn Tự (Thường Tín, Hà Nội), gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Em Phạm Minh Thắng – Học sinh trường THCS Văn Tự (Thường Tín, Hà Nội), chia sẻ: “Em thấy đường tàu ở đây rất nguy hiểm, rác thải người dân đổ ra gần đường tàu tràn cả ra đường đi, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường. Nhiều người tự mở lối đi qua đường tàu không có thanh chắn, rất nguy hiểm khi di chuyển qua”.
Từ thực tế trên cho thấy việc xóa bỏ các lối đi tự mở để đảm bảo an toàn giao thông là việc làm cấp thiết. Bên cạnh đó là cần xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, đổ trộm rác thải ra đường tàu gây ô nhiễm môi trường.