Hà Nội phấn đấu 100% siêu thị, trung tâm thương mại không dùng túi nilon khó phân hủy

Ngọc Linh|11/03/2021 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việt Nam có Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó mục tiêu năm 2025 là sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại.

Theo kế hoạch, toàn thành phố Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2021 đạt các chỉ tiêu: Tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 70%. 80% các khu, cụm công nghiệp và 50% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo.

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, UBND thành phố Hà Nội triển khai 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, xây dựng tài liệu, phổ biến chính sách pháp luật, các mô hình, thực hành tốt về sản xuất tiêu dùng bền vững (lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường…) trên địa bàn thành phố. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về lợi ích việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cấp và các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuyên truyền sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy tại siêu thị, trung tâm thương mại.

Xây dựng tài liệu hướng dẫn giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng chất thải; sử dụng các nguyên vật liệu, sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường; tổ chức phổ biến hướng dẫn và nhân rộng các mô hình, thực hành tốt về phân phối xanh, bền vững.

Ảnh minh họa

Thành phố cũng sẽ thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm. Đánh giá hiện trạng mạng lưới liên kết giữa nhà cung cấp nguyên nhiên liệu, nhà sản xuất, phân phối, người tiêu dùng đối với các nhóm ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội. Xây dựng mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi theo các ngành. Hỗ trợ doanh nghiệp thuộc ngành gốm sứ trên địa bàn thành phố áp dụng các giải pháp, phương thức nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu, năng lượng. Xây dựng, ứng dụng, phổ biến công cụ hỗ trợ trong quản lý để áp dụng sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối.

Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động xuất nhập khẩu xây dựng các tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp theo các cam kết quốc tế. Hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn, phổ biến cho người tiêu dùng về các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường.

Đáng chú ý, UBND thành phố Hà Nội sẽ thực hiện lồng ghép và các nội dung của các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có, như: Quản lý và phát triển hoạt động Logistic; phát triển thương mại điện tử; chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chương trình khuyến công; chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ… bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn 2121-2025 đề ra.

Trong đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, Sở Công Thương Thành phố sẽ là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn thực hiện các chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; các tiêu chuẩn về nguyên liệu, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế; các chính sách thúc đẩy sản xuất phân phối và tiêu dùng cho các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần, các quy định về mua sắm công xanh.

Mục tiêu cụ thể sẽ giảm 5 – 8% mức tiêu hao nguyên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản; 80% các khu cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tuyên truyền về tiêu dùng bền vững đến người dân thành phố; xây dựng và triển khai áp dụng 1 – 2 mô hình về sản xuất sạch hơn, mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững để phổ biến, nhân rộng trên địa bàn thành phố.

Với đặc tính bền, khó phân hủy của rác thải nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả khó lường đối với sức khỏe con người và vạn vật trên trái đất. Nhận thức được tầm quan trọng về quản lý chất thải nhựa và túi nilon, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều có nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường cũng như hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Ngọc Linh

Bài liên quan
  • Hà Nội: Nỗ lực để Thành phố không còn rác thải nhựa
    Moitruong.net.vn – Hiện phong trào hạn chế rác thải nhựa tại Hà Nội đã và đang đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tuyên truyền thôi chưa đủ, cần nâng cao nhận thức chung của người dân thì còn cần hoàn thiện chính sách, tăng thuế, khuyến khích tái chế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phấn đấu 100% siêu thị, trung tâm thương mại không dùng túi nilon khó phân hủy