Nhận thức rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có tính lâu dài, UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng bản cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội; triển khai một số chương trình, dự án nghiên cứu tình hình diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, sự phát triển kinh tế – xã hội, đề xuất và bước đầu thực hiện các giải pháp ứng phó.
UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành các Kế hoạch số: 228/KH-UBND ngày 02/11/2017 thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hà Nội, 149/KH-UBND ngày 22/7/2020 về hành động tăng trưởng xanh của Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Chuẩn bị nguồn lực, Thiết lập hệ thống công khai minh bạch, Xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Ảnh minh họa
Cụ thể, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025: lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14% so với mức phát thải năm 2025 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 6,68 triệu tấn CO2); Đến năm 2030: lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71% so với mức phát thải năm 2030 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 13,76 triệu tấn CO2).
Theo đó, Thành phố Hà Nội đang tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư và tăng cường xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, Hội nghị Hà Nội – Hợp tác đầu tư và phát triển đã trở thành sự kiện thường niên của Thành phố kể từ năm 2016. Một số dự án xử lý chất thải được đầu tư theo hình thức xã hội hóa: Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Dự án Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh,..
Hàng năm, Sở Tài chính luôn chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan tổng hợp, đánh giá hiệu quả chi sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố; cân đối, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố, trình HĐND Thành phố bố trí ngân sách chi sự nghiệp đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hà Nội xác định nghiên cứu khoa học, ứng dụng công đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên. UBND Thành phố đã phê duyệt 18 nhiệm vụ khoa học công nghệ (16 đề tài và 2 dự án sản xuất thử nghiệm) thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp thành phố tài nguyên và môi trường với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học là 34,7 tỷ đồng. Ngoài ra, một số đề tài, dự án có liên quan đến môi trường – tài nguyên được triển khai trong các chương trình khác…
Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thẩm định công nghệ (thông qua hình thức Hội đồng tư vấn KH&CN) 95 dự án đầu tư, đề xuất dự án đầu tư. Đồng thời, cho ý kiến về công nghệ đối với hàng chục đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư trong lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải (sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện); xử lý, tái chế chất thải rắn và một số lĩnh vực khác.
Công tác thẩm định đáp ứng các yêu cầu và được Thành phố đánh giá cao. Đã góp phần ngăn ngừa các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Thu hút một lực lượng đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trên địa bàn tham gia vào hoạt động thẩm định công nghệ.
Hoàng Anh