Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ sửa chữa khe co giãn cầu Vĩnh Tuy

Bảo An|25/02/2020 04:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hà Nội sẽ được ngăn một nửa mặt cầu để bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thi công sửa chữa khe co giãn cầu Vĩnh Tuy vượt sông Hồng trong thời gian 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa chấp thuận phương án phân luồng tổ chức giao thông bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thi công dự án sửa chữa, thay thế khe co giãn, xử lý lún đầu cầu Vĩnh Tuy.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 25/2-25/4, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức thay thế, sửa chữa 14 khe co giãn trên cầu Vĩnh Tuy; xử lý hư hỏng mặt cầu phạm vi 3 nhịp N7, N8, N9 hướng đi từ Long Biên sang Minh Khai đồng thời sửa chữa lún mặt đường đầu cầu trong phạm vi 100m tính từ mố hướng về phía Minh Khai.

Các nhà thầu tổ chức rào chắn 1/2 mặt cầu Vĩnh Tuy tại vị trí thi công để thi công khe co giãn, sử dụng 1/2 mặt cầu còn lại để phân luồng hai chiều cho các phương tiện.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu nhà thầu phải bố trí hàng rào phân cách 2 chiều xe chạy, có dải phản quang, đèn nháy, bố trí người hướng dẫn tại 2 đầu của vị trí thi công để đảm bảo an toàn; có người hướng dẫn phân luồng từ xa cho các phương tiện nhằm bảo đảm an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc tại các vị trí thi công.

Cầu Vĩnh Tuy sắp được sửa chữa, thay thế 14 khe co giãn sau 10 năm khai thác

Ngoài ra, nhà thầu phải lắp đặt biển báo chỉ dẫn, hướng dẫn phân luồng từ xa cho các phương tiện tại các lối lên xuống ở các nút giao trên quốc lộ 5, các lối lên xuống cầu Vĩnh Tuy và cách phạm vi thi công ít nhất 500m, nhắc lại tại phạm vi 300m, 150m, 100m và tại vị trí thi công…

Cầu Vĩnh Tuy được xây dựng trên địa bàn 2 quận Long Biên và Hai Bà Trưng, khởi công ngày 3/2/2005, tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng (giai đoạn 1), được thông xe và đưa vào khai thác từ năm 2010.

Cầu có kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất (8 nhịp) liên tục đúc hẫng dài 990m, trong đó nhịp đúc hẫng lớn nhất dài 135m; chiều dài cầu chính và cầu dẫn bằng bê tông và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất, lên tới 3,7km; mặt cắt ngang cầu 19,25m.

Cầu Vĩnh Tuy được đưa vào sử dụng sẽ hoàn thiện quy hoạch vành đai 2 nâng cao năng lực hạ tầng, góp phần giải quyết những bức xúc trong giao thông đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội giữa Hà Nội với các tỉnh miền duyên hải và đồng bằng sông Hồng.

Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phê duyệt chủ trương để Hà Nội xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Theo đó, Hà Nội sẽ đầu tư một cầu tương tự nằm cách cầu hiện tại 2m về phía hạ lưu sông Hồng có quy mô như cầu Vĩnh Tuy hiện tại với tổng đầu tư khoảng 2.540 tỉ đồng.

Bảo An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ sửa chữa khe co giãn cầu Vĩnh Tuy