Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, hiện nay, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26 - 32 độ C là điều kiện thuận lợi phát sinh bọ gậy và muỗi, kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch sốt xuất huyết với nhiều ca mắc trên địa bàn, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao; học sinh, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học là nguy cơ làm gia tăng đối tượng mắc sốt xuất huyết trong thời gian tới.
Không chỉ sốt xuất huyết, hiện thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận còn xuất hiện dịch viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ). Trong 3 tuần của tháng 8-2023, Bệnh viện Mắt trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ (gấp gần 2 lần so với tháng 6-2023). Tương tự, 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp, trong đó có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng.
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, chữa được, ít có biến chứng và di chứng. Tuy nhiên, vẫn có khoảng từ 10-15% bị biến chứng và di chứng. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, thường xảy ra ở người có sức khỏe yếu, người già, trẻ nhỏ.
Ngoài sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận trung bình từ 40-50 ca mắc tay chân miệng/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 1.169 ca tay chân miệng (giảm gần 100 ca so với cùng kỳ năm 2022) và 36 ổ dịch. Hiện còn 1 ổ dịch tay chân miệng đang hoạt động tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm với 2 ca bệnh. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã có gần 2.000 ca thủy đậu (tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái)…
Liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn để chuẩn bị đón năm học mới, Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết; tổ chức tổng vệ sinh môi trường, bảo đảm khung cảnh nhà trường xanh - sạch - đẹp.