Hà Nội triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí

Nhật Trịnh|13/01/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia về môi trường không khí, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2,5.

Hà Nội đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng, Hà Nội đang tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí; kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trong thời điểm thời tiết giao mùa. UBND thành phố chỉ đạo các ngành, cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, đặc biệt tại các khu vực gần quốc lộ, tỉnh lộ, sân bay Nội Bài.

minh-hoa-9855.jpg
Ảnh minh họa

Để giải quyết bài toán này, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo không còn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn. Các quận, huyện, thị xã cũng đã có văn bản, kế hoạch liên quan để giảm thiểu tối đa tình trạng đốt rơm rạ, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí.

Đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất nông nghiệp tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa làm thức ăn cho gia súc, tận dụng rơm rạ để sản xuất nấm rơm giúp tăng thêm thu nhập; tận dụng rơm rạ để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vỏ trấu cũng được đưa vào phục vụ sản xuất nông sản sạch như sản xuất trấu viên để xuất khẩu, từ đó giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí thay vì trước đây phải bỏ đi.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền người dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom, vận chuyển rơm rạ. Khuyến cáo việc ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, sản xuất nấm… góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.

Theo đó, nhiều nơi ở thủ đô cũng đã đầu tư mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, việc thu gom rơm rạ bằng máy cuốn rơm còn hạn chế ô nhiễm môi trường không khí, rơm rạ được thu gom để sử dụng trong chăn nuôi, làm nấm, che phủ đất để trồng cây, chế biến phân hữu cơ, giảm lượng rơm phơi trên đường, làm cho đường làng ngõ xóm sạch hơn.

Có thể nói, việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Hà Nội. Để đạt được mục tiêu, bên cạnh quyết tâm của Hà Nội, cần có sự phối hợp của các tỉnh, thành phố lân cận trong triển khai giải pháp ngăn chặn, xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí . Đồng thời, cần sự chung tay hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế và các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, không ô nhiễm.

Đặc biệt, Hà Nội phải "thắt chặt" tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP 26 về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; hỗ trợ giảm sử dụng than đá và sinh khối tại các làng nghề.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí