Bảo vệ môi trường

Hà Nội triển khai tổng thể các giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế việc xả nước thải ra sông Nhuệ

Thanh Thanh 17/12/2024 16:00

Những năm gần đây, sông Nhuệ đang bị bồi lắng và ô nhiễm rất nặng do nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý được xả thải trực tiếp vào các lưu vực của con sông này.

Theo đó, sông Nhuệ là một con sông nhỏ, lấy nước từ sông Hồng qua cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) và kết thúc tại cống Phủ Lý khi hợp lưu vào sông Đáy gần thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Những năm gần đây, sông Nhuệ đang bị bồi lắng và ô nhiễm rất nặng do nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý được xả thải trực tiếp vào các lưu vực của con sông này.

capture(2).png
Những năm gần đây, sông Nhuệ đang bị bồi lắng và ô nhiễm rất nặng do nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý được xả thải trực tiếp vào các lưu vực của con sông này

Trước vấn đề ô nhiễm sông Nhuệ, cử tri thành phố Hà Nội đã liên tục có ý kiến đề nghị thành phố quan tâm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, đầu tư hạ tầng hai bên bờ sông và có biện pháp thu gom nước thải sinh hoạt, không để xả thải trực tiếp ra sông Nhuệ như hiện nay.

Tại Báo cáo số 456/BC-UBND ngày 03/12/2024, UBND thành phố Hà Nội đã có phản hồi cụ thể về nội dung này. Theo đó, nhằm ngăn chặn, hạn chế việc xả nước thải ra sông Nhuệ, thành phố đã chỉ đạo UBND quận và các đơn vị, sở, ngành liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn đến các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thành phố cũng chỉ đạo giao các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với UBND quận, huyện liên quan triển khai thực hiện các Dự án: Cải tạo chất lượng nước các ao, hồ nội thành tại các tiểu vùng đô thị thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; Nạo vét sông Nhuệ, chỉnh trang sông Nhuệ đoạn Hà Đông – Liên Mạc; Xây dựng trạm bơm Liên Mạc (giai đoạn 1 trong cụm công trình gồm: Cống, trạm bơm Liên Mạc); Dự án xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ - Giai đoạn I; Dự án Xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông; Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ; Dự án hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ.

capture(3).png
Hà Nội đang triển khai tổng thể các giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế việc xả nước thải ra sông Nhuệ

Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp các sở, ngành thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án; tham mưu UBND thành phố có các tờ trình trình HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án và đã được HĐND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 22/9/2023. Ngày 3/10/2023, Sở Xây dựng đã có Văn bản số 7918/SXD-KHĐT gửi Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật và Nông nghiệp (chủ đầu tư các dự án), Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố thực hiện công tác bàn giao hồ sơ dự án để triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định.

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, ngày 04/7/2023, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND về việc cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó tại Mục VII, phần b của Phụ lục 10 kèm theo Nghị quyết số 12/NQHĐND về các dự án, công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021 – 2025 giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc theo Quyết định số 2670/QĐ-UBND 18/6/2021 của UBND thành phố Hà Nội.

Định kỳ hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng Kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường để thực hiện giám sát trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, y tế, dự án trên địa bàn thành phố; trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường 2020; điểm b, khoản 2, Điều 162 và điểm d, khoản 3 Điều 163 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tập trung chủ yếu vào các khu vực gây ô nhiễm môi trường, qua đó phát hiện các vi phạm, kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu các cơ sở nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường.

Được biết vào năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường từng đánh giá lưu vực sông Nhuệ - Đáy có chất lượng môi trường nước kém nhất trong 5 lưu vực sông ở miền Bắc. Trong 185 điểm quan trắc của năm, lưu vực xác định 15 điểm ô nhiễm, riêng sông Nhuệ - Đáy chiếm tới 13 điểm. 62% số điểm quan trắc ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy cho kết quả nước ở mức xấu đến rất xấu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội triển khai tổng thể các giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế việc xả nước thải ra sông Nhuệ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.