Hà Nội ưu tiên cải tạo chung cư cũ

Ngọc Ánh|08/04/2024 17:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cải tạo chung cư cũ là một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố Hà Nội trong nỗ lực tái thiết, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Nhưng kết quả thực hiện còn chậm và chưa đảm bảo tiến độ đặt ra.


XEM VIDEO: Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội

Mới đây, nhiều quận nội thành đã chủ động công khai, minh bạch nội dung liên quan đến kế hoạch dự kiến cải tạo chung cư cũ trên địa bàn để người dân có thể theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, vẫn không ít người dân còn băn khoăn, lo ngại về mức đền bù tái định cư khi triển khai dự án.

Từ khi nhà G6A Thành Công được đánh giá nguy hiểm cấp độ D, 6 năm qua, gia đình ông Tuy và nhiều hộ dân phải di dời đến nơi khác ở tạm, chờ dãy nhà cũ sớm được xây dựng lại.

cai-tao-chung-cu-cu-3-.jpg
Nhà G6A Khu tập thể Thành Công được đánh giá nguy hiểm cấp độ D

Ông Nguyễn Xuân Tuy – Khu tập thể Thành Công chia sẻ: “Cuối năm 2017, tôi đã đi nhận nhà tạm cư ở trên lô E Yên Hòa. Tôi là một trong ba hộ đi đầu tiên, tôi cũng mong mỏi là trong một thời gian ngắn nữa là sẽ được tái định cư về một cơ sở mới đàng hoàng hơn, khang trang hơn.”

Trong đề xuất mới đây, Khu đất thuộc diện tích nhà G6A, G6B dự kiến xây chung cư cao tầng nhằm phục vụ tái định cư cho các hộ dân thuộc 5 toà nhà cũ với gần 290 căn hộ; khoảng 70 căn sẽ dành cho mục đích thương mại dịch vụ. 3 toà còn lại sẽ xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn.

Ảnh 2

cai-tao-chung-cu-cu-4-.jpg
Khu đất thuộc diện tích nhà G6A, G6B dự kiến xây chung cư cao tầng

Khu đất này phía Tây giáp đường Nguyên Hồng, nhìn thẳng ra công viên Indira Gandhi và hồ Thành Công; phía Nam giáp với đường quy hoạch có mặt cắt ngang khoảng 33m, dải phân cách là hàng cây xanh khoảng10 m; phía Đông giáp với trường Mầm non Họa Mi và phía Bắc giáp với khu đất dự kiến xây dựng trụ sở Cục Thuế Hà Nội.

cai-tao-chung-cu-cu-1-.jpg
Xây nhà tái định cư ở khu G6A do toàn bộ mặt tiền nhìn ra hồ Thành Công và trong quy hoạch phân khu cho phép xây dựng chiều cao như vậy, người dân cũng rất thuận tiện trong đi lại

Tòa nhà tái định cư cao 24 tầng nổi (đế gồm tầng 1 và 2, khối tháp từ tầng 3 đến 24) và 3 tầng hầm. Tổng diện tích sàn xây dựng phần nổi hơn 32.500m2, tầng hầm 8.000m2. Tổng số căn hộ là 273-294, trong đó 220 căn tái định cư và 53-74 căn thương mại phục vụ nhu cầu chia tách căn hộ của cư dân. Các căn rộng trung bình 70m2. Dịch vụ thương mại, sinh hoạt cộng đồng được bố trí tại tầng 1-2.

cai-tao-chung-cu-cu-9-.jpg
Tòa nhà tái định cư cao 24 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng phần nổi hơn 32.500m2

Ông Đỗ Hà Thanh – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Đối với phương án đấy thì người dân sẽ không phải đi tái định cư ở nơi xa, sẽ xây dựng xong tòa G6A mà bây giờ là chung cư nguy hiểm cấp độ D thì người dân sẽ chuyển về đấy. Đây là phương án có lợi nhất cho người dân mả chúng tôi hiện giờ đang nhận được. Khi mà dự án triển khai thi công, người dân cũng đồng thời được giám sát việc triển khai thi công và đảm bảo chất lượng hay không, đảm bảo tiến độ và sau khi thấy hài lòng thì người dân sẽ chuyển về, không phải đi tái định cư ở nơi khác".

Trước phương án trên, nhiều người dân lo ngại về chính sách đền bù cũng như chất lượng nhà tái định cư.

cai-tao-chung-cu-cu-2-.jpg
Người dân lo ngại về chính sách đền bù và chất lượng nhà tái định cư

Ông Mai Xuân Tường – Khu tập thể Thành Công cho biết: “Chất lượng nhà tái định cư cũng đã tiếng tăm lắm, tôi cũng đang trông vào lợi nhuận kinh doanh ở đây. Chỉ mong muốn là tôi vẫn được kinh doanh như thế này sau khi làm hoặc nếu không được kinh doanh thì cũng phải có một thỏa thuận sao cho thỏa đáng.”

“Ở ngay mặt đường, bên đường Nguyên Hồng, bên này đường Huỳnh Thúc Kháng, bây giờ làm nhà cao tầng mọc lên quá nhiều thì cơ sở hạ tầng không đáp ứng được, dân số của Hà Nội ngày càng đông.” - Ông Nguyễn Hữu Kỷ – Khu tập thể Thành Công cho biết.

Khu tập thể Thành Công được đánh giá cao về mặt địa lý, quy hoạch tổng thể hoàn chỉnh. Hạ tầng xã hội, môi trường sinh kế đều phát triển. Đáng chú ý, vị trí tòa G22, G23 lại tiếp giáp đường Huỳnh Thúc Kháng - khu vực luôn sầm uất, tấp nập người qua lại - nên đa số hộ dân đều mong muốn được tái định cư ngay tại toà nhà của mình.

Bà Nguyễn Thị Bình – Khu tập thể Thành Công cho biết: “Chúng tôi muốn là được định cư ngay vị trí chúng tôi đang ở vì tất cả dịch vụ thương mại đều ở dưới, làm sao kinh doanh được, tất cả các hộ kinh doanh đều phải nghỉ”.

Tập thể Thành Công gồm 86 tòa nhà lắp ghép tấm lớn, 5.000 hộ dân, 18.200 nhân khẩu. Theo kế hoạch cải tạo chung cư cũ của thành phố giai đoạn 2021-2025, tập thể Thành Công là một trong 10 khu chung cư cũ được cải tạo trong đợt đầu tiên.

cai-tao-chung-cu-cu-8-.jpg
Tập thể Thành Công gồm 86 tòa nhà lắp ghép tấm lớn, 5.000 hộ dân, 18.200 nhân khẩu

Khu nhà G6A gồm 5 tầng, có 3 khối, trong đó hai khối 1 và 2 được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D; khối 3 cấp C. Từ năm 2016, tòa G6A Thành Công đã được cơ quan kiểm định công bố là nhà nguy hiểm cấp độ D, phải di dân để phá dỡ, xây dựng lại. Hơn 8 năm được vận động di dời, hàng chục hộ dân chung cư G6A Thành Công, quận Ba Đình, vẫn ở lại ngay cả khi phía ngoài được quây tôn kín.

cai-tao-chung-cu-cu-5-.jpg
Từ năm 2016, tòa G6A Thành Công đã được cơ quan kiểm định công bố là nhà nguy hiểm cấp độ D, phải di dân để phá dỡ, xây dựng lại
cai-tao-chung-cu-cu-7-.jpg
Hơn 8 năm được vận động di dời, hàng chục hộ dân chung cư G6A Thành Công, quận Ba Đình vẫn ở lại ngay cả khi phía ngoài được quây tôn kín
cai-tao-chung-cu-cu-6-.jpg
Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1-1-2025 được kỳ vọng tháo gỡ thêm nhiều nút thắt, sớm cải tạo hàng trăm chung cư cũ

Để tháo gỡ các bất cập kéo dài liên quan việc cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 được kỳ vọng tháo gỡ thêm nhiều nút thắt, sớm cải tạo hàng trăm chung cư cũ hiện nay.

Bài liên quan
  • Bí thư Thành ủy Hà Nội nói về việc cải tạo chung cư cũ
    “Vừa qua, Hà Nội lo sốt vó vì sợ rủi ro cháy nổ, động đất thì không biết hậu quả thế nào. Bên cạnh đó còn thực tế nhiều nhà lắp ghép, cơi nới nên rất áp lực, lo lắng”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm khi đề cập đến vấn đề liên quan tới việc cải tạo chung cư cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội ưu tiên cải tạo chung cư cũ