Hà Tĩnh: Dân kêu trời vì bãi tập kết rác thải đốt lộ thiên gây ô nhiễm môi trường

Ngọc Trâm|24/08/2019 05:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo phản ánh, suốt thời gian qua các hộ dân thuộc địa bàn thôn Nam Thượng, xã Thạch Đài, Huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang phải sống chung với môi trường ô nhiễm do bãi tập kết rác thải được đốt lộ thiên của xã Thạch Tân – nơi có vị trí giáp ranh với địa bàn xã Thạch Đài.

VIDEO: Thạch Tân (Hà Tĩnh: Rác thải được đốt lộ thiên trong Bãi tập kết rác, dân khốn khổ

Ngay sau khi nhận được phản ánh, sáng ngày 21/8 Phóng viên có mặt thực tế hiện trường. Ngay vị trí giáp ranh 2 xã Thạch Tân và Thạch Đài có cánh đồng lúa của bà con nhân dân 2 xã đang canh tác. Cũng tại cánh đồng này, chính quyền xã Thạch Tân cho xây dựng bãi tập tập kết rác thải sinh hoạt cách khu dân cư thôn Nam Thượng xã Thạch Đài khoảng 500m. Đây là bãi trung chuyển với chức năng tập kết rác tạm thời sau đó vận chuyển đưa đi xử lý tại nhà máy xử lý rác theo quy định. Tuy nhiên như những gì đang diễn ra tại đây, số lượng rác thải lớn được tập kết tại vị trí này đang được xử lý theo cách đốt lộ thiên.

Bãi rác Thạch Tân được đốt lộ thiên nham nhỡ

Tại thời điểm PV ghi nhận, rác được xử lý bằng cách thức đốt lộ thiên như trong đơn thư phản ánh của người dân là có thực. Bãi trung chuyển rác Thạch Tân có diện tích khoảng trên dưới 1000m2 xây tường bao xung quanh, hiện tại số lượng rác tập kết ứ đọng ước lên đến hàng trăm tấn và chất cao đến vài mét với nhiều tàn dư của việc đốt lộ thiên cùng khói bụi đang âm ỉ cháy.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Hùng – Trưởng thôn thôn Nam Thượng cho chúng tôi biết: “Bãi rác xã Thạch Tân được xây dựng từ năm 2015 đến nay, mặc dù là bãi rác trung chuyển nhưng phía chính quyền xã Thạch Tân lại cho xử lý tại chổ bằng cách đốt lộ thiên. Việc đốt rác lộ thiên ở đây đã xảy ra từ rất lâu, nhưng thời điểm mùa hè nắng nóng này việc đốt lại dày hơn, họ cho đốt liên tục nhất là về chiều và đêm. Người dân thôn Nam Thượng chúng tôi gần với bãi rác này nên chịu ảnh hưởng vô cùng bởi ô nhiễm môi trường. Ban ngày bà con không thể ra đồng vì khói bụi, ban đêm phải đóng kín các cửa, thậm chí trùm chăn mà vẫn không thoát khỏi mùi hôi thối và khói từ bãi rác Thạch Tân này bốc lên. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền xã, xã lại kiến nghị lên huyện nhưng tình trạng đốt rác này vẫn diễn ra. Rất mong các cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng liên quan lên tiếng và sớm giải quyết để chúng tôi yên tâm sinh sống lao động và sản xuất”.

Những ruộng lúa kém năng suất xung quanh bãi trung chuyển rác Thạch Tân

Còn theo ông Nguyễn Phi Mạnh – Bí thư Chi bộ thôn Nam Thượng cho chúng tôi biết “Thôn chúng tôi gồm 220 hộ với gần 500 nhân khẩu, là thôn có vị trí nằm gần với bãi rác Thạch Tân, chúng tôi đã rất nhiều lần phản ánh về tình trạng đốt rác gây ô nhiễm môi trường của xã Thạch Tân nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để khắc phục, thậm chí lưu lượng đốt còn nhiều hơn vì rác thải sinh hoạt ngày một nhiều. Chúng tôi đề nghị sớm có biện pháp xử lý dứt điểm để người dân trong thôn được hưởng môi trường trong lành đảm bảo sức khỏe, an sinh xã hội.”

Bức xúc trước tình trạng trên, bà Bùi Thị Kiều 54 tuổi chia sẻ, “Nơi tôi đứng đây là hội quán của thôn Nam Thượng, cách vị trí bãi rác Thạch Tân khoảng 500m, buổi chiều bà con nhân dân, trẻ con người già đều ra hội quán tham gia cổ vũ đánh bóng chuyền, vui chơi giải trí. Tuy nhiên cũng thời gian này phía bãi rác Thạch Tân lại đốt khói đen mù mịt, mùi hôi thối của rác thải đi cùng mùi khét lẹt làm chúng tôi không thể chịu nổi. Gia đình tôi sống cách bãi rác 2 km nhưng vẫn chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi thối này”.

Đơn kêu cứu của người dân thôn Nam Thượng

Để làm rõ phản ánh của người dân thôn Nam Thượng, PV đã liên hệ làm việc với UBND xã Thạch Đài. Trao đổi với PV, ông Trương Quang Anh – Chủ tịch UBND xã cho biết “Tình trạng đốt rác tại bãi rác của xã Thạch Tân làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con thôn Nam Thượng trên địa bàn chúng tôi là có thật, việc này tôi cũng đã nắm bắt và trao đổi với chính quyền xã Thạch Tân cũng như báo cáo lên huyện Thạch Hà để có phương án giải quyết. Tuy nhiên về vấn đề rác thải sinh hoạt nông thôn hiện nay thực ra còn rất nhiều bất cập. Bất cập thứ nhất là nguồn kinh phí để xử lý rất hạn hẹp, bất cập thứ 2 là thiếu nhà máy xử lý rác thải”.

Trước đây xã chúng tôi và các xã lân cận ký hợp đồng với nhà máy xử lý rác Phú Hà ở Kỳ Anh và nhà máy Cẩm quan huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Hiện nay, 2 nhà máy này lượng rác đang quá tải nên ngừng thu nhận, buộc chúng tôi phải vận chuyển vào Đồng Hới, Quảng Bình. Tuy nhiên 1 tấn rác vận chuyển vào Quảng Bình chi phí hết 1.2 triệu đồng, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ trên và thu phí trong dân rất hạn hẹp nên việc vận chuyển ra ngoại tỉnh để xử lý rất khó để thực hiện được lâu dài. Giải pháp trước mắt là tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nhà, rác thải hữu cơ có thể tận dụng và rác thải tái chế. Làm tốt việc này theo tính toán sẻ giảm thiểu tối đa 70% lượng rác thải ra môi trường, ông Anh cho biết thêm.

Với việc đốt rác lộ thiên ở bãi tập kết rác thải tại xã Thạch Tân là việc làm vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường. Theo các nhà nghiên cứu nếu xử lý rác thải bằng hình thức đốt sẻ thải ra khí Dioxin và Furan gây ô nhiễm môi trường cũng như nhiều hệ lụy cho cuộc sống của bà con nhân dân. Bên cạnh đó đốt những sản phẩm từ nilon hay rác thải nhựa dẫn đến việc các hạt vi nhựa lơ lững trong không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân sinh sống xung quanh.

Thiết nghĩ chính quyền các xã Thạch Tân, Thạch Đài và huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cần nhanh chóng tìm ra giải pháp hữu hiệu để sớm giải quyết vấn nạn rác thải, tránh việc xử lý rác bằng cách đốt lộ thiên vừa vi phạm Luật bảo vệ môi trường vừa ảnh hưởng đến an sinh xã hội, sức khỏe cũng như môi trường sống của bà con nhân dân.

Ngọc Trâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Tĩnh: Dân kêu trời vì bãi tập kết rác thải đốt lộ thiên gây ô nhiễm môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.