Hai Bà Trưng (Hà Nội): Người dân bức xúc về Dự án Cải tạo, mở rộng trường Trung học cơ sở Quỳnh Mai thi công gây ô nhiễm môi trường

Thu Thủy - Thu Hà|05/05/2023 17:00

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong quá trình thi công xây dựng các công trình, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều quy định bắt buộc để đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, tại dự án đầu tư xây dựng công trình công trên địa bàn quận Hai Bà Trưng còn không ít những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý cũng như việc thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân cư

Hà Nội: Người dân bức xúc Dự án Cải tạo, mở rộng trường THCS Quỳnh Mai thi công gây ô nhiễm môi trường

Người dân khổ vì Dự án thi công

Mỗi dự án xây dựng đều có những ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới môi trường xung quanh, bao gồm: Không khí bụi bặm, tiếng ồn, nguồn nước.. Bụi từ quá trình khoan đục phá dỡ tường, thi công xây dựng dự án gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Nước thải sinh hoạt của công nhân trong quá trình ăn ở sinh hoạt tại công trường nếu không có biện pháp thu gom xử lý phù hợp cũng sẽ là mầm mống của dịch bệnh lây lan.

Cụ thể, Dự án Cải tạo, mở rộng trường Trung học cơ sở Quỳnh Mai thuộc phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng do Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng Hà Tây là nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư MX Việt Nam. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu đã bộc lộ nhiều dấu hiệu tồn tại trong công tác quản lý và thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường và gây ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân sống xung quanh Dự án.

W_truong-thcs-quynh-mai-1-.jpg
Dự án Cải tạo, mở rộng trường Trung học cơ sở Quỳnh Mai thi công bộc lộ nhiều dấu hiệu tồn tại trong công tác quản lý và thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường

Thời gian qua, hàng chục hộ dân sinh sống tại Khu tập thể C2, C5, C6A Quỳnh Lôi bức xúc vì Dự án Cải tạo, mở rộng trường THCS Quỳnh Mai trong quá trình thi công có dấu hiệu gây ồn ào, bụi bặm làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sức khỏe của nhiều người dân, đặc biệt là người già.

Bà H – người dân khu tập thể C5 Quỳnh Lôi cho biết: Dự án thi công suốt ngày cứ bụi bặm, ồn ào như này thôi, không làm thế nào được bây giờ.

Cùng chung nỗi bức xúc, bà N. cho biết: Từ khi dự án triển khai, ở đây bụi hơn, ồn nhiều. Buổi trưa họ nghỉ ít, thi công sớm, cứ ầm ầm ầm ầm lên. Chẳng hiểu họ khoan đục gì.

Chị K – người dân khu tập thể Quỳnh Lôi cho biết: Dự án thi công thì có bụi. Thời gian đầu họ hay khoan vào những buổi sáng sớm thì cũng khá ồn ào. Mặc dù đơn vị cũng có che chắn nhưng vẫn rất bụi. Buổi tối hôm vừa rồi, đội thợ thi công của dự án còn có việc xô xát với nhau, chị K. cho biết thêm

W_truong-thcs-quynh-mai-2-.jpg
Phía trước mặt công trình không được che chắn lưới khi công nhân khoan đục bê tông, khiến lượng bụi phát tán ra ngoài môi trường ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của nhà dân

Sự việc có dấu hiệu tác động liên quan đến sức khỏe của nhiều gia đình, đặc biệt là người già nhưng không hiểu vì lý do gì chính quyền phường Quỳnh Mai và UBND quận Hai Bà Trưng vẫn chưa quan tâm, xử lý dứt điểm những tồn tại của dự án?.

Dự án có phải xin Giấy phép môi trường hay Đăng ký môi trường?

Theo ghi nhận của PV moitruong.net.vn, trong quá trình thi công cải tạo, mở rộng dự án nhà thầu đã tận dụng một phần tầng 01 của khối nhà cũ để cho hàng chục công nhân ăn ở, sinh hoạt. Nước thải, rác thải trong quá trình ăn uống sinh hoạt của công nhân không được thu gom mà xả thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi khó chịu, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, không đảm bảo phòng chống cháy nổ ảnh hưởng lớn đến môi trường và trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người lao động.

W_truong-thcs-quynh-mai-4-.jpg
W_truong-thcs-quynh-mai-5-.jpg
Nước thải, rác thải trong quá trình ăn uống sinh hoạt của công nhân không được thu gom mà xả thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi khó chịu, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, không đảm bảo PCCC

Theo quy định của Luật PCCC để đưa 1 công trình đi vào hoạt động thì phải được nghiệm thu đủ điều kiện về PCCC nhưng tại các phòng học tầng 1 của dự án cải tạo, mở rộng trường THCS Quỳnh Mai lại được tận dụng cho công nhân đang ngày đêm ăn ở nấu nướng để thuận tiện cho việc thi công công trình sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng tới tính mạng, an toàn của các công nhân và các hộ dân đang sinh sống tại khu tập thể cạnh dự án.

Đặc biệt, tại Dự án Cải tạo, mở rộng trường THCS Quỳnh Mai, nhiều công nhân không được trang bị bảo hộ lao động, thậm chí có những công nhân còn cởi trần nhưng vẫn “thản nhiên” làm việc trên cao để khoan đục bê tông, thiếu quy định về đảm bảo an toàn lao động mà không vướng phải sự giám sát của đơn vị thi công, đơn vị giám sát cùng các lực lượng chức năng và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận. Phía trước mặt công trình không được che chắn lưới khi công nhân khoan đục bê tông, khiến lượng bụi phát tán ra ngoài môi trường ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của nhà dân.

W_truong-thcs-quynh-mai-8-.jpg
W_truong-thcs-quynh-mai-3-.jpg
Công nhân không được trang bị bảo hộ lao động, thậm chí có những công nhân còn cởi trần nhưng vẫn “thản nhiên” làm việc trên cao để khoan đục bê tông mà không vướng phải sự giám sát của đơn vị thi công, đơn vị giám sát cùng các lực lượng chức năng và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận

Theo tìm hiểu của PV, Dự án cải tạo, mở rộng trường THCS Quỳnh Mai là công trình cấp III, thuộc nhóm C nên dự án thuộc phần 2 Mục II, Phụ lục V Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 danh mục các dự án đầu tư nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường quy định tại khoản 4 điều 28 Luật Bảo vệ môi trường. Căn cứ vào mục 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về đối tượng phải có giấy phép môi trường như sau: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II, nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức. Căn cứ theo điểm a, khoản 3, Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020, dự án thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng.

Ngoài ra, tại phụ lục XVI Nghị định 08/2022/NĐ – CP quy định Danh mục dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được miễn đăng ký môi trường gồm: Không phát sinh khí thải phải xử lý; Không phát sinh nước thải hoặc có phát sinh nước thải nhưng đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung mà hệ thống đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường, không phát sinh chất thải nguy hại trong quá trình hoạt động.

Vậy, căn cứ vào những quy định trên, Dự án Cải tạo, mở rộng trường THCS Quỳnh Mai có phải làm Giấy phép môi trường hay Đăng ký môi trường hay không?

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng có đang “làm khó” phóng viên?

Nhằm tìm hiểu, thu thập làm rõ thông tin liên quan đến việc Dự án Cải tạo, mở rộng trường THCS Quỳnh Mai thi công có dấu hiệu ô nhiễm môi trường, PV đã đặt lịch làm việc với UBND quận Hai Bà Trưng và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận.

Theo đó, ngày 27/4/2023 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng đã có buổi làm việc với phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn. Tại buổi làm việc có ông Nguyễn Phi Dũng – Cán bộ Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng, phụ trách Dự án; ông Nguyễn Xuân Tấn – Phó giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng Hà Tây – nhà thầu thi công mà không hề có bất cứ lãnh đạo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng làm việc với PV.

Trao đổi với PV Moitruong.net.vn về Đăng ký môi trường và Giấy phép môi trường của dự án, ông Dũng cho biết: Những năm trước thì có làm cam kết môi trường, nhưng Luật bảo vệ môi trường 2020 thay đổi nên với những công trình cải tạo hay xây mới mà trong 1 ngày 1 đêm mà phát sinh ra chất thải phải được 40 khối thì mới cần làm cam kết môi trường và quận ký. Vậy nên tất cả công trình bây giờ cải tạo không phải làm cam kết môi trường. Về hồ sơ, tài liệu tụi anh cung cấp sau.

Như lời hứa của ông Dũng tại buổi làm việc ngày 27/4 và để có những thông tin, tài liệu về việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong quá trình thi công cải tạo Dự án, ngày 28/4 PV đã liên hệ lại với ông Dũng để đề nghị cung cấp một số hồ sơ liên quan. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Dũng cho biết: Anh đã báo cáo anh Đức - Giám đốc ban rồi, nếu bên em cần cung cấp cái gì thì phải có văn bản đề nghị cần cung cấp. Mặc dù PV, trao đổi lại với ông Dũng rằng, phía tòa soạn cũng đã có Giấy giới thiệu và những nội dung, tài liệu đính kèm gửi UBND quận Hai Bà Trưng và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận rồi. Nhưng ông Dũng vẫn nhất quyết yêu cầu tòa soạn phải có văn bản riêng đề nghị cần cung cấp những hồ sơ tài liệu liên quan thì phía Ban mới cung cấp hồ sơ tài liệu cho phía cơ quan báo chí.

Việc tòa soạn Môi trường và Cuộc sống đã có giấy giới thiệu và những nội dung đính kèm cần cung cấp gửi UBND quận Hai Bà Trưng nhưng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận vẫn yêu cầu tòa soạn phải có văn bản riêng, đề nghị cung cấp những hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác báo chí, phải chăng Lãnh đạo ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận đang cố tình “làm khó” cơ quan báo chí trong quá trình tiếp cận thông tin, hồ sơ tài liệu? Ban quản lý dự án Quận đã thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng và theo quy định của Luật báo chí khi làm việc với cơ quan báo chí?

W_truong-thcs-quynh-mai-9-.jpg
W_truong-thcs-quynh-mai-7-.jpg
Nhà thầu đã tận dụng một phần tầng 01 của khối nhà cũ để cho hàng chục công nhân ăn ở, sinh hoạt ngay tại dự án

Ngoài ra, việc đại diện BQL dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng cho rằng dự án Cải tạo, mở rộng trường học trên không phải làm giấy phép môi trường hay đăng ký môi trường có đúng quy định của Luật bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan? Câu hỏi được đặt ra sau khi các trường học này đi vào hoạt động vận hành chính thức, nước thải phát sinh và chất thải sẽ được xử lý như thế nào? Chất thải rắn, chất thải sinh hoạt phát sinh từ các hoạt động văn phòng, từ các hoạt động học tập của các học sinh được đưa ra xử lý ra sao? Câu hỏi này xin được gửi tới lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng và các Phòng, ban liên quan để có câu trả lời tới dư luận.

Tại buổi làm việc ngày 27/4, Đại diện cho nhà thầu thi công, ông Tấn cho hay: Ở đâu cũng thế thôi, không thể tránh khỏi việc người dân phản ánh. Với dự án của bọn anh, cả công an môi trường cũng đến và nhắc nhở cố gắng hạn chế tối đa những ảnh hưởng. Bụi bặm thì bọn anh tưới nước, còn phần trên cao thì cũng không thể tránh khỏi.

Còn công nhân có ăn ở sinh hoạt và xả thải xuống hệ thống rãnh. Nếu mà nói về ảnh hưởng tới nhà dân thì tiếng ồn là không thể tránh khỏi. Khi ghép cốt pha, rồi đóng nọ đóng kia thì chắc chắn là có tiếng ồn. Nhưng tụi anh hạn chế tối đa nhất trong các giờ ngủ, nghỉ của bà con, ông Tấn cho biết thêm.

Trước sự việc trên, kính mong UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, quận ủy Hai Bà Trưng, UBND quận Hai Bà Trưng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm minh những tồn tại (nếu có) của chủ đầu tư dự án và các nhà thầu thi công trường THCS Quỳnh Mai tại phường Quỳnh Mai để đảm bảo môi trường xung quanh cho người dân và an toàn về cháy nổ, an toàn lao động cho những công nhân đang thi công tại dự án này.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Khoản 5 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng như sau:

Việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;

c) Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

d) Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;

đ) Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;

e) Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;

g) Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai Bà Trưng (Hà Nội): Người dân bức xúc về Dự án Cải tạo, mở rộng trường Trung học cơ sở Quỳnh Mai thi công gây ô nhiễm môi trường