Hải Hậu (Nam Định) – Bài 2: Xã đạt chuẩn “Nông thôn mới”, người dân vẫn khốn khổ vì ô nhiễm môi trường

Thế Đoàn|29/08/2019 03:18
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mặc dù, huyện Hải Hậu đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn tồn tại những bãi xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường khiến người dân khốn khổ.

VIDEO: Hải Hậu (Nam Định): 10 năm người dân “quằn quại” sống cạnh bãi rác ô nhiễm

Như Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã thông tin ở bài báo trước: Bãi xử lý rác thải xã Hải Vân nằm cách khu dân cư chỉ khoảng 100m, rác không được phân loại và tập kết đúng nơi quy định mà đổ tràn lan ngoài môi trường, bất kể lúc nào có thể là công nhân cho đốt rác. Do khí và khói thải trong quá trình đốt rác không qua bất kỳ khâu xử lý nào đã gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Bãi xử lý rác xã Hải Vân đốt lộ thiên cả ngày lẫn đêm, khói đen kịt kéo theo mùi hôi thối khó chịu.

Ông B.V.C – người dân xóm 1, xã Hải Vân bức xúc: “Hôm trước cưới con tôi, lúc bà con khách khứa ăn cỗ thì bãi rác vẫn đốt khói đen rồi mùi hôi thối thổi thẳng vào, tôi phát ngại với mọi người. Ra nhờ mấy người đốt dừng lại vì nhà đang có đám cưới thì họ bảo phải đốt vì rác nhiều quá. Khách khứa người ta cũng nói mang tiếng lên nông thôn mới mà vừa ăn cỗ vừa ngửi mùi rác, đúng là xấu hổ”.

Bà L.T.L – người dân xóm 18 xã Hải Nam đưa tay che mũi nói: “Dân họ đi qua đây cứ phải bịt mũi, nếu hít vào là hoa mắt, chóng mặt nhưng đành chịu chứ biết làm sao, chuyển nhà không chuyển được. Con cái tôi trên Hà Nội không dám cho các cháu về quê chơi, cứ nhắc đến về quê là đứa cháu bảo không về đâu, về ngửi mùi đốt ni-long ung thư chết”.

Khi đốt túi ni-long sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, …

Theo tiêu chí 17, Môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nêu rõ: Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường … Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Vậy bãi xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của “xã nông thôn mới” Hải Vân liệu có đáp ứng được tiêu chí trên?

Trao đổi với PV về vấn đề này ông Đặng Thanh Sơn – Chủ tịch UBND xã Hải Vân cho biết: “Theo quy định bãi xử lý rác thải phải cách khu dân cư 500m nhưng xã Hải Vân không còn quỹ đất nên phải đặt ở đấy. Rác thải của xã quá nhiều, lò đốt rác hoạt động liên tục nên gần đây đã xuống cấp, do cơn bão số 3 mà ống khói bị đổ nên việc thu gom xử lý rác gây ô nhiễm như người dân phản ánh là đúng. Sắp tới huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng cải tạo lò đốt thì chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhanh nhất”.

Ông Đặng Thanh Sơn – Chủ tịch UBND xã Hải Vân khẳng định: “Địa phương đã có kế hoạch từ nay đến tháng 10/2019 sẽ tiến hành cải tạo nâng cấp lò đốt để xử lý rác thải cho đảm bảo tránh ô nhiễm môi trường”.

Được biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND ban hành quy định về cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trong đó đối tượng được hỗ trợ là các UBND xã có nhu cầu hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Như vậy, UBND xã Hải Vân có thể làm hồ sơ đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí, nhưng không biết vì lý do gì mà bãi xử lý rác thải không đạt chuẩn gây ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại đến nay ?

Để làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, PV đã liên hệ văn phòng UBND huyện Hải Hậu và gửi email kèm giấy giới thiệu đặt lịch phỏng vấn lãnh đạo huyện. Tuy nhiên, bên phía văn phòng không có bất kì phản hồi gì cho đến khi PV gọi điện lại thì cán bộ nói sẽ đi xác nhận. Khoảng 10 phút sau, ông Nguyễn Thủy Triều – Phó chánh văn phòng UBND huyện Hải Hậu gọi điện cho PV cho biết trong tuần này lãnh đạo huyện phải tiếp đoàn khảo sát đánh giá nông thôn mới, hẹn PV sau mùng 2/9 sẽ làm việc.

Trước thực trạng bãi xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường nhiều năm qua khiến người dân địa phương vô cùng khốn khổ. Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao huyện Hải Hậu là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước mà đến nay vẫn tồn tại thực trạng này? Liệu kế hoạch xây dựng nông thôn mới bền vững và kiểu mẫu giai đoạn 2016 – 2020 của huyện có “ngó lơ” tiêu chí môi trường?

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Thế Đoàn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hải Hậu (Nam Định) – Bài 2: Xã đạt chuẩn “Nông thôn mới”, người dân vẫn khốn khổ vì ô nhiễm môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.