Nguồn nước bị cạn kiệt
Theo Bộ trưởng Bộ Công chính Alfredo Moreno, hai con sông Mapocho và Maipo cung cấp nước cho Santiago hiện có mực nước thấp chưa từng có trong lịch sử Chile. Điều này khiến các nhà quản lý buộc phải tìm cách hạn chế sử dụng nước và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thay thế.
Bên cạnh đó, một số nhà khoa học và chính trị gia ở Chile đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu nước ngày càng tăng và có khả năng không thể thay đổi được ở khu vực miền Trung, nơi có khí hậu Địa Trung Hải. Được biết, nơi đây tập trung khoảng 1/3 dân số của thủ đô Santiago – đầu tàu kinh tế của đất nước.
Theo Cơ quan Khí tượng Chile, một trạm thời tiết ở trung tâm Santiago vừa ghi nhận lượng mưa chỉ 78 mm trong năm nay so với 180 mm của năm ngoái.
Ông Andrés Couve, Bộ trưởng Khoa học Chile nhận định, lượng nước giảm do biến đổi khí hậu đang là vấn đề được ưu tiên giải quyết. Theo ông, Chile đang hứng chịu lượng mưa giảm mạnh và điều đó đang gây ra tình trạng thiếu nước. Ông cũng cho biết thêm, Chính phủ Chile đang giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách đầu tư vào bảo tồn và lưu trữ nước, tạo ra một cơ sở phụ dự trữ nước và thành lập một nhóm làm việc của các nhà khoa học về quản lý nước, cũng như một đài quan sát biến đổi khí hậu.
Giải bài toán thiếu nước của người dân. (Ảnh minh họa)
Hạn hán ảnh hưởng đến người nuôi ong
Ông Carlos Peralta, một người nuôi ong cho biết: Bản thân ông đã mất khoảng 300 tổ ong kể từ đầu tháng 11 và chỉ còn lại một lựa chọn: cố gắng giữ 900 tổ ong còn sống bằng mật hoa nhân tạo hoặc di chuyển chúng đến nơi có nhiều hoa và phấn hoa hơn.
“Nếu đàn ong chết, tất cả chúng tôi đều chết. … Con ong là sự sống,” ông nói khi đề cập đến vai trò quan trọng của côn trùng trong việc thụ phấn cho cây trồng tự nhiên và thương mại. Nó còn giúp Chile duy trì vai trò là nhà xuất khẩu trái cây lớn trên thế giới.
Chính vì thế, Peralta quyết định chuyển các công việc nuôi ong của mình đi khoảng 600 dặm (1.000 km) về phía nam, đến Puerto Montt.
Bên cạnh đó, Andrés González – chuyên gia khu vực về đa dạng sinh học của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cũng cho biết: Số lượng côn trùng thụ phấn giảm “có liên quan… việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón, độc canh, hạn hán phần lớn do biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước không tốt. ”
Từ những yếu tố đó, cùng với ký sinh trùng xuất hiện đã ảnh hưởng đến quần thể ong trên toàn cầu. Và Chile đã chứng kiến xuất khẩu mật ong của mình sụt giảm từ 4 hoặc 5 năm qua. Đồng thời sự sụt giảm này còn trầm trọng hơn do những khó khăn về giao thông bởi đại dịch gây ra.
Một nghiên cứu của FAO vào năm 2018 cho thấy, việc nhập khẩu thuốc trừ sâu của Chile đã tăng 460% so với hai thập kỷ trước. Đây cũng là điều mà những người nuôi ong đổ lỗi cho một phần thiệt hại của họ.
Teresa Sarmiento, chủ tịch hiệp hội những người nuôi ong ở Colina, đã so sánh nó với việc “cho một đứa trẻ đói đồ ăn”. Trước khi có hạn hán, những người nuôi ong sẽ sử dụng thức ăn thay thế trong một số thời kỳ mùa đông, nhưng hiện nay việc làm này lại diễn ra quanh năm. González thuộc FAO cho biết, chất thay thế thiếu protein mà ong cần để phát triển cơ thể và hệ thần kinh. Đồng thời nó khiến chúng dễ bị bệnh tật hơn.
Thùy Trang