Hạn hán ở Bắc Trung bộ khiến sản xuất nông nghiệp đảo lộn

Minh Thư|22/07/2020 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vụ hè thu mùa năm 2020, có khoảng 8.200ha phải điều chỉnh giãn, dừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng do hạn hán ở Bắc Trung bộ xảy ra khốc liệt.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thủy lợi trong tháng 7/2020 cho thấy, từ đầu năm đến nay, khu vực Bắc Trung bộ có lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, dẫn đến xảy ra hiện tượng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương.

Cùng với đó, nắng nóng từ tháng 5/2020 liên tục gia tăng trên diện rộng, nhiều nơi có trên 20 ngày nắng nóng trong tháng. Hai nguyên nhân trên dẫn đến dung tích trữ hồ chứa giảm nhanh, nhiều hồ nhỏ cạn nước. Hiện tại dung tích trung bình các hồ chứa chỉ đạt 37% dung tích thiết kế và phân bổ không đều ở các địa phương.

Hàng nghìn héc-ta lúa đã và đang đứng trước nguy cơ mất mùa, nhiều diện tích người dân không thể gieo cấy. Một số sông ở khu vực mặn bắt đầu xâm nhập.

Nắng nóng kéo dài khiến những cánh đồng đất trắng, khô héo; hàng trăm héc ta mạ đã quá ngày, lá cháy sém, người dân bất lực trước tình hình thời tiết khô hạn. Đây là tâm trạng lo lắng của người dân các tỉnh Bắc Trung bộ thời điểm hiện nay.

Nhiều hồ đập cạn đáy, không còn khả năng bơm tưới để chống hạn. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, dự báo mùa khô ở khu vực Bắc Trung bộ vẫn còn kéo dài đến hết tháng 7, 8/2020. Nguồn nước trữ tại các hồ chứa hiện vẫn đang ở mức thấp. Đặc biệt, diện tích cây trồng bị hạn hán, thiếu nước sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Vụ hè thu – mùa 2020 hiện đã gieo cấy được thấp nhất trên 90% kế hoạch (Thanh Hóa đạt 97%, Nghệ An 92%, các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đạt 100%).

Do nguồn nước không đảm bảo, toàn vùng hiện có khoảng 8.200 ha đang phải điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Thanh Hóa 3.200 ha, Nghệ An 5.000 ha), tập trung chủ yếu ở vùng công trình thủy lợi phụ trách tưới.

Ngoài ra, diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước trong khu vực là 25.970 ha, tập trung chủ yếu ở các các tỉnh: Thanh Hóa 9.000 ha, Nghệ An 11.000 ha, Hà Tĩnh 990 ha, Quảng Bình 840 ha, Quảng Trị 4.140 ha.

Gia tăng diện tích cây trồng bị khô hạn

Mùa khô trong khu vực kéo dài đến hết tháng 7 (đối với các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh) và hết tháng 8 (đối với các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế). Dự báo, nếu nắng nóng gay gắt và tiếp tục ít mưa có khoảng 27.800 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước (trong đó, Thanh Hóa 7.000 ha, Nghệ An 13.000 còn lại là các tỉnh khác).

Theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi, trong thời gian tới, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi trong vùng trung bình đạt 43% dung tích thiết kế, thấp hơn 7-21% so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ các năm 2017, 2018, 2019.

Dự báo, từ nay cho đến cuối mùa khô sẽ có khoảng 13.000 ha bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước; trong đó, vùng công trình thủy lợi khoảng 10.000 – 11.000 ha chủ yếu là lúa, tập trung ở cuối kênh các hệ thống Nam Hưng Nghi, Diễn Yên Quỳnh… và khu tưới các công trình nhỏ lẻ do địa phương quản lý.

Khô hạn kéo dài tại Nghệ An khiến nhiều nhiều ruộng đồng phải bỏ hoang

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị đã hỗ trợ người dân đào giếng, khoan giếng hộ gia đình, tổ chức các điểm cấp nước tập trung (dùng xe téc cung cấp nước cho người dân); tổ chức vận động người dân chia sẻ nguồn nước giữa các hộ dùng nước trong thời gian hạn hán, thiếu nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy lợi cũng đã kiến nghị Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí phòng, chống khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương vụ đông xuân 2019 – 2020 và vụ hè thu năm 2020. Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn nhân lực, để thực hiện các giải pháp dài hạn để chủ động đối phó với tính hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đang ngày càng diễn biến thường xuyên hơn.

Minh Thư

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hạn hán ở Bắc Trung bộ khiến sản xuất nông nghiệp đảo lộn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.