Hàng loạt dự án điện khí, gió ngoài khơi nguy cơ khó vận hành trước năm 2030

Hồng Tú|26/12/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo các chuyên gia, một dự án điện khí LNG thường mất 7-8 năm, điện gió ngoài khơi 6-8 năm để xây dựng và vận hành nên rất khó để có thể vận hành trước năm 2030.

Ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.

dien-gio-ngoai-khoi.jpg
Các dự án điện khí, điện gió khó vận hành trước năm 2023

Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng thừa nhận thách thức không nhỏ để đưa các dự án vào vận hành trước năm 2030. Bởi, một dự án điện khí mất 7-8 năm, còn điện gió ngoài khơi là 6-8 năm từ khi lựa chọn nhà đầu tư cho tới lúc đàm phán mua điện, thu xếp vốn và thực hiện hợp đồng EPC.

Tới 2030 sẽ có 13 dự án điện khí LNG được phát triển, song hiện mới có một dự án là nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, tổng công suất 1.500 MW đang thi công, dự kiến vận hành cuối năm sau và giữa 2025. Như vậy, để đạt mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần phát triển khoảng 22.500 MW điện khí 7 năm tới.

Với dự án điện gió ngoài khơi, hiện một số chủ đầu tư được cấp phép khảo sát biển, đo gió và địa chất tại một số khu vực ngoài khơi.
Với dự án điện gió ngoài khơi, hiện một số chủ đầu tư được cấp phép khảo sát biển, đo gió và địa chất tại một số khu vực ngoài khơi.

Thách thức trong phát triển điện khí LNG, điện gió ngoài khơi hiện nay được các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra là thiếu cơ chế pháp lý, hạ tầng. Ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cho biết, các dự án điện khí LNG hiện khó xác định được khả năng thu hồi, thu xếp vốn hay lượng khí cần nhập khẩu. Lý do là chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng, cơ chế chuyển ngang giá từ hợp đồng mua bán khí sang mua bán điện.

Tương tự, với dự án điện gió ngoài khơi, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN cho hay, do tương đồng với các hoạt động dầu khí ngoài khơi nên khi triển khai có thể tiến hành song song một số hoạt động như khảo sát đáy biển. Điều này PVN hoàn toàn làm được, nhưng thiếu cơ chế. "Chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định các chính sách, quy hoạch để thử nghiệm khảo sát dự án điện gió ngoài khơi", Tổng giám đốc PVN cho biết.

Trước việc nhiều dự án LNG đã triển khai, chuẩn bị đầu tư vướng về quy hoạch, thủ tục, tuần trước Bộ Công Thương có văn bản đề nghị các địa phương sớm tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền để các nhà đầu tư triển khai dự án.

Tuy nhiên, để các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi kịp vận hành theo Quy hoạch điện VIII, theo các chuyên gia, những vướng mắc cơ chế đều liên quan tới các luật, như Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, và các văn bản hướng dẫn, cần cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, tháo gỡ.

Họ cũng đề cập việc cần có cơ chế đặc thù phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi. Đề xuất này từng được các doanh nghiệp nêu tại cuộc họp hồi giữa tháng này.

Bài liên quan
  • Thêm một nhà máy điện gió ở Quảng Trị được khởi công
    Với sự khởi công Nhà máy điện gió Hải Anh diễn ra sáng nay, huyện miền núi Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị hiện có tổng cộng 31 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Theo tính toán khi tất cả 31 dự án điện gió đi vào hoạt động, hằng năm Quảng Trị thu ngân sách thêm được gần 600 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt dự án điện khí, gió ngoài khơi nguy cơ khó vận hành trước năm 2030