Hàng loạt kênh, rạch tại TP. Hồ Chí Minh ngập trong rác thải, hôi thối

Trọng Huy|24/05/2020 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khoảng 2.000 km đường sông, kênh, rạch phủ kín toàn địa bàn được xem là tài nguyên quý giá của TP.HCM nhưng lại đang trở thành nguồn ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới đời sống người dân thành phố.

Dù chính quyền TPHCM đã tích cực vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch nhưng tình trạng xả rác xuống kênh vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Nhiều kênh, rạch bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối khiến người dân ngán ngại, nhất là những hộ dân sống gần kênh.

Nhiều đoạn Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm trở lại. Túi ni lông, hộp xốp… vẫn là những “vật thể lạ” thường xuyên xuất hiện trên mặt nước.

Để cải tạo dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, năm 2003, UBND TPHCM đầu tư gần 10.000 tỉ đồng nhằm xây dựng bờ kè, làm cống tiêu thoát nước và làm đường hai bên bờ kênh. Sau thời gian hồi sinh, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm trở lại chủ yếu là rác thải do người dân xả ra .

Hơn 30 năm sống bên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, bà Nguyễn Thị Trang (65 tuổi, quận Tân Bình) bức xúc nói không hiểu sao mỗi ngày công nhân đều vớt rác nhưng nhiều hôm bà vẫn thấy rác đầy ở mép kênh. Chứng tỏ thói xấu xả rác ra kênh rạch của người dân vẫn còn.

Phần lớn là rác sinh hoạt, túi nilon, hộp xốp, ly nhựa,… Dòng nước ô nhiễm đen kịt, bốc mùi hôi thối. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhiều rác là do lượng rác từ rạch Xuyên Tâm đổ vào khá lớn, kế tiếp là từ sông Sài Gòn trôi vào. Bên cạnh đó, không chỉ ăn uống rồi xả rác, nhiều người còn đem rác đổ xuống kênh.

Thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, có khoảng 7 tấn rác được vớt lên mỗi ngày trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, biến con kênh này trở thành một trong những dòng kênh chứa rác nhiều trên địa bàn TPHCM.

Các tuyến kênh được vệ sinh thường xuyên, liên tục nhưng lượng rác thải nhựa đã nhiều vậy thì chắc chắn các tuyến kênh, rạch không được vớt rác thường xuyên sẽ có lượng rác khổng lồ hơn nhiều. Tại một đoạn kênh ngay cầu Đinh Bộ Lĩnh (phường 24, quận Bình Thạnh) những vỏ chai nhựa, thùng xốp, túi nilon… nằm ngổn ngang phủ kín mặt kênh.

Đáng buồn, hành động thiếu ý thức này lại thường xuyên xảy ra, ngay cả giữa ban ngày

Bất chấp khu vực này có treo quy định xử phạt, nhiều người vẫn vô tư vứt rác xuống kênh. “Kênh rác này đã tồn tại nhiều năm nay, người này thấy người khác ném rác xuống kênh cũng thản nhiên ném theo. Nhiều người cũng bức xúc vì hằng ngày phải hứng trọn mùi hôi thối gây ảnh hưởng sức khỏe mà nhắc nhở thì cũng không thay đổi được gì” – chị Oanh (31 tuổi, sống trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh) nói.

Một con rạch trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) ô nhiễm nặng nề bởi rác thải, nước thải, có đoạn rác ken kín trên mặt kênh, dòng nước tồn lưu bốc mùi hôi thối.

Mương A41 (đoạn chảy qua khu dân cư P.4, Q.Tân Bình) là 1 trong 3 hướng thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất với kết cấu bờ mương và lòng mương trước đây là 8 m và 6 m, sâu 3,5 m nhưng hiện nay có những chỗ chỉ còn chưa đến 0,5 m. Rác thải dồn ứ thành đống dù mới vừa được cơ quan quản lý ra quân vớt rác cách đây khoảng 1 tháng

Rác thải ngập kín một con rạch ở quận Bình Tân khiến công nhân vất vả vớt rác. “Gom rác trên bờ đã vất vả, gom rác dưới nước còn nặng nhọc hơn vì lượng nước thấm vào và mùi tanh rất khó chịu. Mới vào làm có khi chịu không nổi, không kiên trì với công việc sẽ bỏ kiếm việc khác ngay” – anh Thái – công nhân vớt rác thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM chia sẻ.

Nước thải quện cùng bèo, rác nổi lềnh bềnh trên dòng kênh

Được đánh giá là con rạch ô nhiễm nhất thành phố, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đã 18 năm trôi qua vẫn nằm trên giấy. Người dân nơi đây cứ tiện tay đổ cơm thừa canh cặn, hộp xốp, túi nilon xuống ngay phía dưới nên rạch Xuyên Tâm ngày càng ô nhiễm nặng nề.

Lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh cho hay dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (chiều dài toàn tuyến khoảng 6,2 km) được Thành ủy UBND TP giao cho quận từ tháng 8.2016, yêu cầu bằng mọi cách phải hoàn thành dự án chậm nhất vào 12.2018. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai do mức đầu tư quá lớn, khó kêu gọi các nhà đầu tư. Theo đó, dự án ban đầu ước tính khoảng 4.000 tỉ đồng bao gồm hơn 1.000 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hơn 2.000 tỉ đồng là chi phí xây lắp. Tuy nhiên do chậm trễ, đến nay chi phí giải phóng mặt bằng ước tính đã “đội” lên 3.750 tỉ đồng.

Trọng Huy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hàng loạt kênh, rạch tại TP. Hồ Chí Minh ngập trong rác thải, hôi thối