Hậu Giang: Chủ động kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn năm 2023

Hoàng Anh|28/03/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - ông Trương Cảnh Tuyên vừa ký ban hành kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện 312 công trình cống, đập thời vụ, đập cải tiến và 138 nắp bọng; 47 công trình nạo vét kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn.

Đối với vùng nguy cơ hạn, các ngành chức năng phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, bơm dầu... Có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa các công trình nhằm trữ nước ngọt trên đồng; đồng thời, đắp đập thời vụ, đóng các cửa cống; nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng bị bồi lắng để trữ nước ngọt.

hau-giang.jpeg
Hậu Giang ban hành kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn.

Đối với vùng nguy cơ mặn, địa phương lên kế hoạch nâng cấp, tu bổ sửa chữa các công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt, không cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng như: đắp đập ngăn mặn thời vụ, đóng các cửa cống; nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng đã bồi lắng, lấy nội đồng là chính để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Có kế hoạch mở rộng đường ống các vùng có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, huy động mọi nguồn lực bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho người dân.

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, của viện, trường, năm 2023, xâm nhập mặn diễn biến hết sức phức tạp so năm 2022.

Mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh Hậu Giang theo hướng từ biển Đông theo sông Hậu, có thể vượt qua kênh Cái Côn, Mái Dầm và từ xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng qua các trục kênh cấp 2 uy hiếp huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy và một phần của huyện Phụng Hiệp; từ các trục kênh chính qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu ảnh hưởng đến thị xã Long Mỹ và một phần huyện Phụng Hiệp.

Từ biển Tây, mặn theo sông Cái lớn và sông Nước Trong, ảnh hưởng đến huyện Long Mỹ, một phần huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

Toàn tỉnh có khoảng 90.000 ha đến 100.000 ha vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và TP Ngã Bảy, có nguy cơ hạn. Khoảng 50.000 ha đến 60.000 ha vụ Đông Xuân 2022 - 2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh, có nguy cơ xâm nhập mặn.

Kinh phí để đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có hiệu quả khoảng hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, đắp đập thời vụ và nâng cấp sửa chữa cống ngăn mặn: 312 công trình cống, đập và 138 nắp bọng với kinh phí khoảng 16,8 tỷ đồng. Nạo vét kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn: 47 công trình kênh, với kinh phí khoảng 23,6 tỷ đồng.

Với việc chủ động thực hiện các giải pháp phi công trình và công trình sẽ giúp Hậu Giang bảo đảm không bị bất ngờ và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Chủ động kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn năm 2023