Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong tháng 8 đã công bố địa điểm đặt thủ đô mới và khẳng định sẽ khởi động quá trình di dời từ năm 2024. Thủ đô mới của Indonesia nằm ở Đông Kalimantan giữa Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara trên đảo Borneo.
Jakarta vốn là thành phố đông đúc, ô nhiễm với hơn 10 triệu dân, đang chìm dần xuống biển. Điều này khiến Indonesia lên kế hoạch chuyển chính phủ tới tỉnh Đông Kalimantan.
Thủ đô mới nằm cách Jakarta 1.300 km về phía Đông Bắc. Kế hoạch là hình thành một thành phố 33 tỷ USD lấy kinh nghiệm quản lý của Seoul, không gian xanh của Singapore và cách quy hoạch địa giới hành chính của Washington.
Đông Kalimantan nằm trên đảo Borneo. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cảnh báo rằng kế hoạch này có thể gây ra cuộc khủng hoảng mới đối với môi trường sinh thái trên đảo Borneo.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề môi trường trên đảo Borneo sẽ tồi tệ hơn nếu một thành phố lớn được xây dựng gần những khu bảo tồn quan trọng. Tỉnh Đông Kalimantan, nơi dự kiến đặt thủ đô mới của Indonesia, còn từng xảy ra sự cố tràn dầu lớn vào năm ngoái.
Nhiều người dân ở tỉnh Đông Kalimantan bày tỏ hy vọng khi trở thành thủ đô, nơi đây sẽ có thêm nhiều trường học và đường xá tốt hơn cũng như đường ống nước sinh hoạt sạch và nguồn điện ổn định.
Nhưng cũng xuất hiện lo ngại rằng giá cả sinh hoạt sẽ tăng, nhiều người dân từ nơi khác đến cạnh tranh việc làm và môi trường ô nhiễm hơn. Tờ Tribun Kaltim đưa tin giá đất tại Đông Kalimantan đã tăng gấp 4 lần sau tuyên bố của Tổng thống Joko Widodo.
Khu vực Đông Kalimantan cũng nổi tiếng với các vùng rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật như đười ươi, gấu chó và khỉ mũi dài.
Các nhà bảo tồn cũng lo ngại về các hậu quả của việc di dời thủ đô tới Đông Kalimantan.
Tỉnh Đông Kalimantan là nơi có nhiều rừng cây. Ảnh: Reuters
Đảo Borneo, nơi được chọn đặt thủ đô mới, có nhiều mỏ khoáng sản lớn và rừng nhiệt đới, đồng thời nằm trong số ít địa điểm có đười ươi sống trong môi trường tự nhiên.
Chính phủ Indonesia cam kết việc xây dựng thủ đô mới sẽ không ảnh hưởng tới các khu bảo tồn. Ông Widodo gần đây cũng ra lệnh cấm cấp giấy phép mới cho hoạt động phá rừng nguyên sinh vì mục đích nông nghiệp và khai thác gỗ. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 95% người tham gia khảo sát phản đối việc dời thủ đô khỏi Jakarta.
Lê An (t/h)